Cổng thông tin điện tử Hòa Bình có bài viết đánh giá về hiệu quả của các nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài vào tỉnh nhà. Trong đó, RIC là một tổ chức phi chính phủ được nhắc đến với thành công mô hình nhóm cộng đồng tư vấn luật đất đai, thực hiện trong dự án do JIFF/JPP tài trợ. Sau đây là bài viết:

Trong những năm gần đây, hoạt động tài trợ, viện trợ từ nguồn vốn nước ngoài tại Việt Nam nói chung có phần giảm sút. Tuy nhiên, tại Hoà Bình, một tỉnh miền núi phía Bắc với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn vẫn có chính sách thu hút đầu tư. Việc tổ chức và phát triển mô hình dự án ngày càng hiệu quả và được khuyến khích lan rộng.

Tính đến năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 36 chương trình, dự án, và viện trợ phi dự án do 17 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển viện trợ, tăng thêm 3 tổ chức mới, 05 chương trình, dự án mới so với năm 2013 (số liệu do sở ngoại vụ Hoà Bình cung cấp).

Cùng với nguồn vốn đầu tư khác, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Các dự án đã có những hoạt động thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng, xác định đúng đối tượng, mục tiêu để thực hiện hỗ trợ nên đã nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và người dân hưởng lợi.

Việc triển khai các chương trình, dự án. Từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần tăng cường năng lực cho các cơ quan, đối tác và người dân vùng dự án. Thông qua lồng ghép các chương trình tập huấn, đào tạo, cùng với việc lựa chọn đúng phương pháp và được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, người dân vùng nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được nâng cao năng lực, kiến thức, khả năng tổ chức, quản lý tốt hơn và biết cách làm ăn kinh tế, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.

Điển hình phải kể đến mô hình trợ giúp pháp lý cho cộng đồng của người dân xóm Văn Tiến, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn. Đây là một trong số ít các xóm của xã Dân Hạ không có đất ruộng. Người dân chủ yếu làm thuê khoán cho lâm trường. Đồng lương ít ỏi, đời sống nghèo nàn cả về vật chất và tinh thần, nhưng nhờ tham gia nhiều hoạt động do các dự án tài trợ tổ chức, năng lực người dân được nâng cao, đời sống tinh thần cải thiện. Cũng từ đó tạo đà cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.

Năm 2013, xóm Văn Tiến thành lập một mô hình trợ giúp pháp lý về đất đai cho cộng đồng từ nguồn hỗ trợ của dự án do Quỹ Hỗ trợ sáng kiến tư pháp-JIFF tài trợ (gọi là nhóm nòng cốt). Từ những người nông dân chất phát, quanh năm chỉ biết trồng cây, cuốc vườn, hầu như chưa bao giờ đọc sách luật, thì nay, không những hiểu biết pháp luật về đất đai, họ còn tự biết cách giải quyết vấn đề đất đai của gia đình hỗ trợ cho người dân trong xóm. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, một thành viên tích cực của nhóm kể về thành công của nhóm trong việc hỗ trợ cho gia đình Anh Tuấn thực hiện giao dịch mua bán đất ruộng. Trong vai trò là người mua, gia đình anh chỉ nghĩ sẽ làm thủ tục như bình thường, gồm việc: viết giấy mua bán viết tay hai bên cùng kí rồi lên xã làm thủ tục. Thế nhưng, ba năm sau, thủ tục mua bán vẫn chưa thành. Đất đã sử dụng nhưng trên giấy tờ đất không thuộc quyền sở hữu.

Đến giữa năm 2014, khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng học từ dự án, chị Nguyệt cùng thành viên nhóm đến hỗ trợ, hướng dẫn anh thủ tục: Người bán phải nộp đơn đề nghị trích đo, trích lục lên Phòng TNMT huyện. Sau khi có kết quả, cả bên mua và bên bán mang đầy đủ giấy tờ tuỳ thân lên Văn phòng công chứng làm thủ tục mua bán. Cuối cùng, mang các loại giấy tờ trên cùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp tại Phòng TNMT huyện. Song nút thắt phải cởi trong giao dịch này là, người mua đất ruộng phải là người làm nghề trồng ruộng. Trong khi anh Tuấn là lao động tự do. Từ đây, Chị Nguyệt tư vấn anh Tuấn phải để vợ anh, chị Hiền đứng tên trong giao dịch, đồng nghĩa, chị sẽ là người đi làm thủ tục. Giải quyết được vấn đề này, việc mua bán đất ruộng của gia đình anh Tuấn được thực hiện một cách thuận lợi. Trong vòng hai tháng rưỡi, gia đình anh chị đã có sổ đỏ mảnh đất ruộng mới. Nếu không có chị Nguyệt cùng các thành viên nhóm nòng cốt hỗ trợ, có lẽ những hộ dân như gia đình anh Tuấn khó hoặc rất lâu nữa mới có thể giải quyết được vấn đề.

Đến nay, mô hình nhóm nòng cốt xóm Văn Tiến vẫn duy trì tốt. Nhóm tổ chức được 1 cuộc truyền thông riêng về Luật đất đai, lồng ghép truyền thông Luật đất đai trong 3 cuộc họp xóm, 52 lượt tư vấn được tổ chức cho hơn 40 hộ dân. Năm 2015, nhóm duy trì đều đặn 7 đến 8 thành viên thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ các hộ gia đình có vướng mắc về đất đai, giúp người dân ổn định tâm lý, yên tâm sản xuất canh tác. Trong bối cảnh Luật đất đai 2013 mới được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2014, trong khi, ngay cả cơ quan chức năng còn bối rối trong công tác triển khai luật mới thì ở Văn Tiến, một mô hình trợ giúp luật được tổ chức, duy trì và phát huy hiệu quả cao.

Thực tiễn chỉ ra, cùng với mô hình trợ giúp pháp lý ở Văn Tiến, các mô hình khác như hỗ trợ phát triển sinh kế cho người nghèo của dự án Giảm nghèo, mô hình nâng cao năng lực quản lý cộng đồng Dự án PCMM Việt Nam cùng rất nhiều mô hình khác đang hỗ trợ rất tốt cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế phối hợp 3 bên: chính quyền-người dân-tổ chức phi chính phủ là rất cần thiết. Cùng với chính sách hợp lý sẽ thu hút và nâng cao hiệu quả nguồn viện trợ từ các tổ chức vào tỉnh ta.

Nguyễn Tuyết – Cổng thông tin điện tử Hòa Bình

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here