Ngày 11.01.2010, ông Pascal Raess – Bí thư thứ nhất Cơ quan hợp tác phát triển Thụy Sỹ (SDC), ông Đào Minh Cháu – Cán bộ SDC, bà Bùi Thị Kim – giám đốc dự án PCMM, giám đốc trung tâm DWC đã tới thăm dự án PCMM tại Hòa Bình. Đoàn tham quan đã đi thăm đại diện các nhóm cộng đồng, các tiểu dự án đã và đang thực hiện tại các xã Mông Hóa và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn.
Xóm 3 xã Mông Hóa là một cụm dân cư nghèo. 76 hộ dân sinh sống dọc theo con suối Kha Quéo, sau lưng là dãy núi trọc, trước mặt là cánh đồng. Nguồn nước của suối Kha Quéo lấy từ các quả đồi trọc với địa thế dốc và nhỏ hẹp nên hàng năm, khi có mưa lũ, lưu lượng nước của suối Kha Quéo dâng cao cuốn trôi cây cầu tre bắc qua suối. Trong những ngày đó, người dân xóm 3 hoàn toàn bị ngăn cách với cụm dân cư khác và các đường trục chính của xóm, đặc biệt là các cháu trong độ tuổi đi học phải nghỉ học nhiều ngày chờ khi nước rút hoặc cầu được làm lại mới tiếp tục được tới trường. Với sự hỗ trợ 15.100.000đ từ dự án PCMM và 9.700.000đ do người dân đóng góp, Tiểu dự án “Cải thiện điều kiện đi lại cho dân qua việc làm cầu dân sinh cho cụm dân cư số 4 thuộc địa bàn xóm 3 Mông Hoá – Ky Sơn – Hoà Bình” đã được phê duyệt, một cây cầu bê tông dài 12m đang được xây dựng bắc qua suối Kha Quéo.
Nhóm 4 xóm Đoàn Kết II xã Phúc Tiến có 24 hộ (trong đó có 5 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 2 hộ khuyết tật), do thiếu vốn và kỹ thuật chăn nuôi nên sản lượng vật nuôi thấp, thu nhập của các hộ gia đình vì thế cũng không cao. Tháng 07 năm 2009, được sự hỗ trợ của dự án PCMM, 24 hộ dân nhóm 4 đã thành lập nhóm cộng đồng và đề xuất tiểu dự án “Nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo nhóm 4 xóm Đoàn Kết II thông qua việc vay vốn nhỏ để nuôi lợn”.Ngay sau khi tiểu dự án được phê duyệt, nhóm cộng đồng đã bắt tay vào thực hiện, đến nay, sau 6 tháng thực hiện, thu nhập bình quân của 5 hộ nghèo đạt gần 400.000đ/tháng.
Người dân tổ I, xóm Đoàn Kết I, xã Phúc Tiến sống chủ yếu dọc theo hai bên sườn núi, nên việc đào giếng lấy nước rất khó khăn. Mùa mưa nước đục ngầu. Thêm vào đó, môi trường đất bị ô nhiễm bởi rất nhiều phân trâu, phân bò, lợn gà và các loại thuốc trừ sâu; thuốc phun diệt cỏ … khiến chất lượng nước giếng đào không đảm bảo vệ sinh. Cụm dân cư đã tổ chức cùng nhau khảo sát tìm nguồn nước và đã tìm được nguồn nước tự chảy từ khe suối Bái Liếm – cách trung tâm khu dân cư hơn 1 km, nước chảy quanh năm không cạn, độ cao của mạch nước khoảng 250m so với mặt bằng của khu dân cư, rất thuận lợi cho việc lấy nước về làng.
Dự án “Cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân qua việc cung cấp nước tự chảy” được nhóm cộng đồng tổ I gửi tới dự án PCMM. Với 8.998.000đ hỗ trợ từ quỹ CĐQL và 6.090.000đ huy động cộng đồng đóng góp, tiểu dự án đã hoàn thành đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho 17 hộ gia đình. Đặc biệt, các hộ nghèo trong tổ được hỗ trợ xây dựng một bể chứa nước sạch tại nhà.
Kết thúc ngày làm việc, sau khi nghe đại diện ban quản lý dự án địa phương và các nhóm cộng đồng trình bày, ông Pascal thực sự ấn tượng với dự án PCMM tại Hòa Bình “…người dân nơi đây liệt kê các khó khăn của mình, tự xếp hạng các ưu tiên, họ tự viết các tiểu dự án để bảo vệ cho các ưu tiên của mình …. Họ sử dụng thành thạo khung logic và rất công khai, minh bạch trong từng khoản chi nhỏ ….