PCMM – Hòa Bình Ngày 22.03.2010, tại hội trường UBND huyện Kỳ Sơn – Tỉnh Hòa Bình, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) – cơ quan thực hiện dự án PCMM tại Hòa Bình tổ chức hội thảo “Áp dụng Mô hình Cộng đồng Quản lý trong phát triển kinh tế xã hội”

Tham gia hội thảo có Ông Sa Hồng Diện – Phó Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, Ông Đinh Đăng Điện – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cùng đại diện các ban ngành đoàn thể trong huyện, đại diện lãnh đạo và người dân, các nhóm cộng đồng 4 xã Dân Hòa, Dân Hạ, Phúc Tiến, Mông Hóa và thị trấn Kỳ Sơn – các đơn vị đang tham gia thưc hiện dự án PCMM. Ngoài ra còn có đại diện một số xã không tham gia dự án, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, Ngân hàng NN& Phát triển nông thôn…Các kinh nghiệm thực hiện Mô hình Cộng đồng Quản lý, các thuận lợi cũng như khó khăn được các bên liên quan nhiệt tình chia sẻ và hào hứng lắng nghe.

Mô hình Cộng đồng Quản lý được cụ thể hóa qua các tiểu dự án nhằm cải thiện điều kiện sống, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc – văn hóa cồng chiêng … với các phương pháp thực hiện sáng tạo và huy động sự tham gia của cộng đồng một cách hiệu quả đã nhận được sự đánh giá cao của đa số các cấp lãnh đạo và người dân.

Nâng cao năng lực (đặc biệt là người nghèo và các đối tượng thiệt thòi) là một trong những kết quả dự án chính được các tham dự viên tại hội thảo thừa nhận. Chị Nguyễn Thị Chanh, thành viên nhóm nòng cốt – Trưởng nhóm cộng đồng xóm 3 xã Mông Hóa cho biết“khi mới bắt đầu thực hiện dự án cải thiện điều kiện giao thông qua việc xây dựng cầu dân sinh, tôi sợ rằng mình là phụ nữ, có biết gì đâu, chẳng biết xây dựng như thế nào mà thúc đẩy mọi người thực hiện… sau đó tôi được tham dự các khóa tập huấn của dự án về mô hình Cộng đồng Quản lý, kỹ năng thúc đẩy, thiết kế dự án theo khung logic … hiểu rõ hơn về mô hình, biết các cách làm việc khoa học, thực hiện thành công tiểu dự án bây giờ không chỉ riêng tôi mà tất cả chị em phụ nữ trong nhóm tôi đã mạnh dạn hơn, tự tin hơn … mỗi khi có việc gì, tất cả mọi người lại cùng gặp nhau, bàn bạc cùng tìm cách giải quyết…”. Một thành viên nhóm cộng đồng xóm Lũng Hang, xã Mông Hóa cho biết “chúng tôi ít học, nhưng tham gia vào dự án chúng tôi như thấy mình có trình độ đại học vì chúng tôi viết được dự án”

Tuy nhiên, theo ý kiến của đa số các nhóm cộng đồng việc đáp ứng đầy đủ các thủ tục, hồ sơ tài chính cho các tiểu dự án là một trong những khó khăn đối với các nhóm cộng đồng“thời gian hòan thành các thủ tục tài chính, chứng từ hóa đơn … vất vả hơn thời gian làm dự án”. 

Nguyên nhân của vấn đề này, theo ý kiến của cộng đồng, một phần do người dân chưa quen với việc thực hiện các quy định tài chính như lấy hóa đơn đỏ, hạch toán kế toán … một phần do các biểu mẫu tài chính của dự án được quy định khá nhiều và chặt chẽ.

Kết thúc hội thảo, ông Đinh Đăng Điện – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đánh giá rằng thời gian thực hiện dự án tuy chưa lâu, nguồn tài chính hỗ trợ tuy không lớn so với các dự án khác nhưng kết quả của dự án không phải là nhỏ. Kết quả đó chính là việc người dân được nâng cao năng lực từ đó nâng cao khả năng tự quản, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Nguồn: DWC- PCMM Hoà Bình

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here