Khu dân cư số 3 xóm Đoàn Kết 1 có 27 hộ với 124 nhân khẩu (63 nam, 61 nữ). Hàng chục năm nay, các hộ dân nơi đây sử dụng nước giếng đào như nguồn nước sinh hoạt chính. Khi trời mưa, phân trâu, bò, lợn, gà, thuốc trừ sâu, rác thải sinh hoạt…..ngấm xuống đất khiến nước trong các giếng đào bị ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh nhưng người dân trong khu dân cư số 3 không có nguồn nước nào khác nên buộc phải sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nguồn nước không hợp vệ sinh này cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.

Nguồn nước không hợp vệ sinh là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ngoài da như ghẻ lở, ngứa, hắc lào…., nhiều chị em phụ nữ còn bị mắc bệnh phụ khoa.

Năm 2003, xã Phúc Tiến có nhận được tài trợ của tổ chức UNICEF với tổng kinh phí khoảng 800 triệu đồng để làm hệ thống nước tự chảy cho 3 xóm: Đoàn Kết 1, Đoàn Kết 2, Quyết Tiến sử dụng. Nhưng sau khi hoàn thành chương trình, hệ thống này không đến được với tất cả các hộ trong 3 xóm. Anh Nguyễn Văn Thạo – một người dân xã Phúc Tiến cho biết “ Trong dự án của UNICEF, nếu người dân trong xóm này muốn lấy được nước, họ phải bịt 2 đầu ống của 2 xóm kia lại, dẫn đến tình trạng tranh giành, cãi lộn nhau thường xuyên khi lấy nước. Theo thời gian, ống nước cũng bị tắc. Hơn nữa, do tình trạng “cha chung không ai khóc” các bể chứa nước ngày càng xuống cấp do không có người dân tham gia bảo vệ, giữ gìn chỉ trong vòng sau 5 – 6 tháng, mưa lũ làm hỏng đường ống, nước cuốn trôi cả đường ống đi, nước không về được các bể nữa, và người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng”. Theo ý kiến của người dân trong xóm, do thiếu sự tham gia bàn bạc của người dân trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện và giám sát công trình, thêm vào đó sau khi hoàn thành cũng không có Quy chế sử dụng để đảm bảo việc tu sửa, bảo quản, bảo dưỡng đường ống nên hệ thống đường ống bị đào bới lung tung, bị lấy cắp, hỏng hóc nặng nề, các bể chứa nước thì bị bỏ không rất lãng phí. Trong khi đó, người dân vẫn không có nước sạch để sử dụng.

Tham gia dự án PCMM, Nhóm cộng đồng khu dân cư số 3 được thành lập và nâng cao năng lực để tự mình giải quyết các khó khăn trong cộng đồng – có nguồn nước sinh hoạt  đảm bảo vệ sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu của người dân trong khu. Tiến hành khảo sát, được biết tại Khu Tải Nồi có suối nước chảy quanh năm, nguồn nước lại rất sạch, đảm bảo vệ sinh cho sinh họat hàng ngày, Nhóm cộng đồng đã họp, cùng bàn bạc và cùng xây dựng tiểu dự án: “Cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân qua việc cung cấp nước tự chảy”.

Sau khi được thẩm định và phê duyệt, tiểu dự án được hỗ trợ là 8, 940, 000 đồng từ quỹ Cộng đồng quản lý của dự án PCMM, các hộ trong Nhóm đóng góp 15, 950, 000 đồng bằng cả công sức, vật liệu và tiền mặt. Tất cả kế hoạch hoạt động, thu chi tài chính … đều được trực quan trên giấy khổ lớn và công khai tại nhà văn hóa.

Sau 10 ngày thực hiện, với sự tham gia hết sức nhiệt tình, khẩn trương và có tinh thần, trách nhiệm của cả 27 hộ trong Nhóm cộng đồng cùng với sự hỗ trợ của các cán bộ Trung tâm RIC và Nhóm nòng cốt, một hệ thống nước tự chảy kiên cố dài gần 5km dẫn nước từ khe Tải Nồi về khu dân cư đã được hoàn thành đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân.

Sau khi hoàn thành, Quy chế bảo quản hệ thống nước tự chảy được bàn bạc và thống nhất đảm bảo cho việc sử dụng lâu dài và bảo quản hệ thống: hàng tháng cử người đi kiểm tra đường ống, nếu phát hiện hỏng thì có biện pháp xử lý ngay, cử người vệ sinh đường ống, bể chứa cho sạch sẽ, nếu phát hiện ai làm hỏng thì phải bồi thường…..

Một người dân trong nhóm cộng đồng cho biết: “Chúng tôi phấn khởi lắm, đi đâu chúng tôi cũng khoe về dự án PCMM, về nhà tài trợ SDC, về việc người dân trong xóm có nước sạch để sinh hoạt, cảm ơn dự án nhiều lắm, nếu không có dự án thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có nước sạch như ngày hôm nay”

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here