Xóm Sằn xã Hợp Đồng có 155 hộ, gần 700 nhân khẩu. Số hộ nghèo và cận nghèo chiếm 68%. Năm 2015, xóm Sằn tham gia dự án “Thí điểm vận hành bảo trì công trình cơ sở hạ tầng tại các xã 135” do RIC thực hiện. Tám người dân do xóm bầu chọn tham gia nhóm cộng đồng, được dự án tập huấn các kiến thức kỹ năng về cách lập kế hoạch, tính toán kinh phí sữa chữa, quản lý quỹ, giám sát, đánh giá…

Cuối tháng 9 năm 2015, xóm Sằn “khánh thành” cây cầu nội đồng dài 6m, rộng 3m, dày 0,2m, đổ bê tông cốt thép. Nguồn lực xây dựng hoàn toàn do người dân đóng góp: mỗi hộ 20 nghìn đồng, một cây tre, một gánh đá suối và hai ngày công lao động. Quỹ xóm trích tiền mua 1 tạ sắt, 4 tấn xi măng và trả 16 công thợ. UBND xã Hợp Đồng ủng hộ 3 cột điện cho xóm làm dầm cầu. Ước tính tổng kinh phí xây dựng cây cầu khoảng 30 triệu đồng.

Ảnh 1: Các thành viên nhóm cộng đồng phụ trách kỹ thuật đổ bê tông mặt cầu

Khi được hỏi nhóm cộng đồng đã áp dụng kiến thức dự án tập huấn vào việc xây cầu như thế nào, ông Bùi Văn Thủm, một thành viên nhóm vui vẻ cho biết: “Trước đây chưa được dự án tập huấn thì chúng tôi biết đến đâu làm đến đấy. Bây giờ chúng tôi làm theo trình tự, bắt đầu từ khảo sát, lập kế hoạch rồi thông qua người dân. Chúng tôi biết áp dụng kỹ thuật, tính toán đúng tỉ lệ xi măng cát sỏi sắt. Hơn nữa, nhờ cách làm công khai minh bạch, cộng đồng giám sát, đúng nguyện vọng của người dân nên rất thuận lợi”.

Một cây cầu tuy không dài nhưng rút ngắn nhiều khoảng cách. Nó giúp giảm gánh nặng trên đôi vai người nông dân. Trước đây chưa có cầu, bà con phải gánh lúa, gánh phân lội qua suối sâu. Giờ có cầu, xe cải tiến sẽ thay quang gánh. Sức lao động con người đang dần được thay thế. Đó chính là ý nghĩa to lớn mà cây cầu mang lại.

Bà Bùi Thị Minh, 58 tuổi phấn khởi nói: “Tôi không có ruộng ở đây nhưng làm cho làng xóm, cho con cháu nên rất đồng tình. Trưởng xóm hô 7 giờ tập trung nhưng chúng tôi đến sớm hơn rất nhiều”.

Với vai trò giám sát, ông Đinh Công Bảnh, cán bộ giao thông thủy lợi của UBND xã Hợp Đồng đánh giá: “Cộng đồng xóm Sằn làm rất tốt. Bình thường, công trình nhỏ xóm luôn đề nghị xã đầu tư. Nếu các xóm đều chủ động được như xóm Sằn là đáng mừng”./.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here