Hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ (công trình nước tự chảy, đường, mương …) tại các xã 135 của tỉnh Hòa Bình đã hồi sinh một cách kỳ diệu nhờ phương pháp quản lý cộng đồng.

Công trình nước xóm Cang là một trong số những công trình như vậy. Cách đây mới một năm thôi, nguồn nước sinh hoạt của xóm Cang, xã Ngọc Sơn của tỉnh Hòa Bình vừa không đảm bảo chất lượng lại không đủ dùng. Công trình này được UNICEF xây dựng từ năm 1995, hệ thống công trình gồm 1 mó thu nước đầu nguồn, 2 bể chứa nước tại khu dân cư có dung tích chứa 6m3, mỗi bể chứa có 1 nhà tắm, hệ thống đường ống cung cấp nước vào bể dài 200m bằng loại ống nhập ngoại khi đó Việt Nam chưa sản xuất được có đường kính D40. Sau nhiều năm sử dụng hệ thống đường ống xuống cấp do nhiều nguyên nhân như trâu bò đi lại làm hỏng, mất cắp, người dân tự ý chặt bỏ… Năm 2012 chương trình 135 đã hỗ trợ thay thế tuyến đường ống hỏng bằng loại ống HDPE D40 dài khoảng hơn 100m. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây công trình đã bị bỏ hoang do hệ thống đường ống tiếp tục hư hỏng, bể chứa còn tốt nhưng van vòi đều bị hỏng hiện nay không có nước vào bể, mặt khác bể không có nắp đậy, hệ thống cánh cửa nhà tắm bị hư hỏng, bể thu nước đầu nguồn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Anh Bùi Văn Huy trưởng xóm Cang xã Ngọc Sơn cho biết: “Cứ tưởng là bỏ công trình đi rồi ấy chứ, bao năm có sử dụng nữa đâu, nhà nào tự lo nhà ấy. Bây giờ thì nước dùng không hết còn chảy tràn cả đi ấy chứ”. Công trình hồi sinh được là nhờ có sự đóng góp tích cực của cộng đồng, sự chung tay góp sức của chính quyền xã. Trước đây, các công trình của nhà nước đều giao cho nhà thầu thực hiện nhưng chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của người dân, với phương pháp bảo trì cộng đồng, RIC chú trọng vào việc nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực và trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo trì, từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ các công trình của cộng đồng.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của hơn 11 triệu đồng bào thuộc các cộng đồng thiểu số của 15 tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam là sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng. “Bao lâu nay khó khăn này vẫn chưa giải quyết được là bởi người dân chưa biết đoàn kết sức mạnh cộng đồng, chưa biết phát huy quyền tự chủ, tự quyết. Quản lý cộng đồng là phương pháp giúp họ tìm ra cách giải quyết mọi khó khăn” – Ông Quyền, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ.

Đây là những gì mà người dân đã được tiếp cận với phương pháp quản lý cộng đồng “nói” với chúng tôi:

Mô hình Quản lý Cộng đồng
Giúp thôn quê được tươi hồng khang trang
Phát huy nội lực xóm làng
Sức dân trời biển mênh mang vô bờ
Từ xa xưa đến bây giờ
Dựng nước, giữ nước đều nhờ sức dân
Dự án khơi dậy tinh thần
Người dân làm chủ, chuyên cần siêng năng
Tất cả việc nhỏ, việc to
Cân nhắc quyết định đều do dân bàn
Đúng câu dân biết, dân làm
Dân đóng góp, dân luận đàm việc công
Khơi dậy sức mạnh cộng đồng
Dẫu rằng bạt núi ngăn sông cũng thành
Mục tiêu hiệu quả rõ rành
Lợi ích dự án tiếng lành đồn xa.

Ông Nguyễn Quang Hưng
NCĐ Xóm Văn Tiến – xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here