“Có những lúc đi vào các hộ có tình trạng bạo lực gia đình, họ cấm cổng mình ghê lắm. Nhưng sau đó cứ từ từ, hỏi han chuyện kinh tế, việc làm, sức khỏe của họ rồi mới hỏi đến chuyện gia đình. Lúc đầu họ không tiếp, sau họ thấy mình không vụ lợi gì lại có ý tốt nên họ còn quý mình gấp nhiều lần. Tôi thấy như thế là hạnh phúc!”.
Xóm Khi – xã Ân Nghĩa nằm nhỏ bé giữa núi đồi yên tĩnh. Những ngôi nhà sàn giản dị, lẩn khuất xen kẽ với những nhà tầng, ngói mới. Từ xa đã nhìn thấy bóng người phụ nữ ăn mặc chỉnh tề, ngồi trước sân bóng của nhà văn hóa thôn.
Chị Xiển – vốn được biết đến với hình ảnh quen thuộc “Người gõ cửa từng nhà”. Chị tham gia dự án từ năm 2019, luôn chủ động tìm đến từng hộ dân để mời họ tham gia các chương trình, chủ động tìm hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn đến tư vấn và hướng dẫn họ cách làm.
Ảnh 1: Chị Bùi Thị Xiển (áo đen) trò chuyện với người dân trong xóm trên đường đến nhà văn hóa
Vốn là một phụ nữ dân tộc thiểu số tự ti và nhút nhát, được sự yêu quý và tin tưởng của dân làng, chị Xiển đã mạnh dạn tham gia dự án, tổ chức các diễn đàn thôn và ngỡ ngàng trước sự thay đổi của chính mình.
Chị Xiển kể về thôn xóm của mình với rất nhiều tình yêu. Chị chia sẻ: “Mình mong người dân ai cũng hạnh phúc, ấm no, đừng vướng vào những chuyện như ma túy, cờ bạc hoặc đánh cãi chửi nhau. Mình thấy người dân mình khổ quá! Họ còn nghèo, còn ít biết về các vấn đề xã hội nên còn nhiều thiệt thòi. Nên khi có dự án về, mình mừng lắm!”
Ảnh 2: Đôi bàn chân nhỏ bé của chị Xiển đến thăm từng căn nhà trong xóm
Rồi từ đó, chị cứ cặm cụi đi từng nhà, gõ từng cửa người dân, nói về dự án, mời họ đến các diễn đàn. Người dân ở địa phương vốn khép kín, chỉ quen đến cái nghĩa, cái tình, ít nghĩ nhiều về cái lý nên khi tranh cãi xảy ra nhiều vấn đề đáng tiếc.
Việc để các thành viên nhóm cộng đồng được nâng cao năng lực: về kiến thức, về kỹ năng,… chính là giúp họ có thể độc lập và chủ động triển khai các chương trình sau này. Chị Xiển cũng vậy. Giai đoạn đầu ai cũng bỡ ngỡ với cách thức mới của dự án, dần dần ai cũng hiểu và làm tốt nhiệm vụ của mình. Mỗi lần tổ chức Diễn đàn thôn, mọi người trong nhóm cộng đồng lại chủ động họp công việc, sắp xếp thời gian hợp lý. Cũng có lúc tranh luận để đưa ra vấn đề nhưng ai cũng tôn trọng những thành viên còn lại và cùng chung mục tiêu nên đều giải quyết rất nhanh.
Trước giờ, chị được cái may mắn là chồng con chia sẻ công việc. Chị bảo nhiều hôm đi làm đồng rồi lên núi, về lại chạy đi họp dự án. Nhưng thấy như thế lại vui, người khỏe mạnh ra như đi chơi bóng thể thao. Ở sân nhà văn hóa có sân bóng chuyền, chị cùng với người dân gần như chiều nào cũng tập thể dục và chơi bóng ở đây. Tranh thủ lúc nghỉ giữa giờ, chị lại kể về dự án. Chị nghĩ mình cứ từ từ như vậy rồi dân làng ai cũng sẽ hiểu, sẽ thương mình. “Có những lúc đi vào các hộ có tình trạng bạo lực gia đình, họ cấm cổng mình ghê lắm. Nhưng sau đó cứ từ từ, hỏi han chuyện kinh tế, việc làm, sức khỏe của họ rồi mới hỏi đến chuyện gia đình. Lúc đầu họ không tiếp, sau họ thấy mình không vụ lợi gì lại có ý tốt nên họ còn quý mình gấp nhiều lần. Tôi thấy như thế là hạnh phúc!”.
Bóng chị lại lẩn khuất trên những con đường nhỏ bé nằm vắt mình ngang từng ngọn núi đồi. Người ta nói “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng có lẽ chị không nghĩ vậy. Chị trân trọng từng giá trị mình tạo ra, xem sự thay đổi của dân làng là phần thưởng cho những việc mình cùng nhóm cộng động đang nỗ lực thực hiện.
Ảnh 3: Chị Xiển miệt mài ghi chép những vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho người dân trong xóm