Qua hàng nhiều thế kỷ, do tác động của tư tưởng “trọng nam khinh nữ “ thân phận người phụ nữ chịu rất nhiều thiệt thòi. Lịch sử đấu tranh cho phụ nữ mới chỉ bắt đầu từ Thời cổ Hy Lạp, khi mà Lysistrata vào cuộc tranh đấu chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 chỉ được bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân Mỹ.

Vào cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản phát triển tột bậc, nhất là ở nước Mỹ. Khi nền kỹ nghệ phát triển đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp. Chủ tư bản đã lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em rất cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New York (nước Mỹ) đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, ngày 26 và 27/8/1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Đan Mạch). Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, đó là ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Sau đó, ngày 8/3 đã được Liên hợp quốc chính thức hóa là ngày Quốc tế phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 năm 1977.

Nội dung ngày quốc tế phụ nữ 8/3 không chỉ dừng lại ở quyền bình đẳng mà được mở rộng thêm khái niệm mới là “Phát triển”và “Giới”. Vấn đề phụ nữ đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới nhìn nhận và đánh giá một các đầy đủ trên những khía cạnh khác nhau thông qua một loạt các hội nghị thế giới.

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó. Thắng lợi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trên thực tế, tục “trọng nam khinh nữ” đã không còn tồn tại ở nhiều nơi. Phong trào về bình đẳng giới đã phát triên đáng kể ở nhiều nước trên thế giới. Vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao, thoát ra khỏi khuôn khổ gia đình. Nếu như trước đây phổ biến một quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì ngày nay người phụ đã tham gia nhiều các công việc khác nhau, thể hiện nhiều vai trò quan trọng trong xã hội.

Theo một kết quả thống kê, hiện nay ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 51% lực lượng lao động và đóng vai trò chính trong công việc gia đình và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất thì phụ nữ chiếm tới 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”. Việt Nam có tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%, thạc sĩ 33,95% và tiến sĩ 25,96%. Như thế, càng ngày vai trò của người phụ càng được đề cao. Và thế kỷ XXI còn được dự báo là thế kỷ của người phụ nữ.

Hiện nay, tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, nhiều phụ nữ đã giữ những chức vụ cao, quan trọng trong xã hội, thậm chí làm Tổng thống của một quốc gia. Nếu như trước đây một số lĩnh vực chủ yếu do nam giới đảm trách thì nay phần việc đã được chia sẻ cho người phụ nữ. Sự phát triển tột bậc trong khả năng và vai trò của người phụ nữ đã khẳng định, phụ nữ là một nửa của thế giới theo nghĩa đầy đủ nhất. Vì thế, phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia.

Chất lượng bình đẳng giới là một chỉ số căn bản trong đánh giá phúc lợi xã hội ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những vấn đề về nhận thức giới tính cùng các định kiến cổ hủ đã và đang kéo theo rất nhiều biểu hiện xã hội thiếu công bằng trong tư duy, ứng xử và lối sống. Điều này không chỉ đè nén sự hạnh phúc và cơ hội của người phụ nữ mà còn tạo nên áp lực không cần thiết cho nam giới và đẩy lùi sự phát triển chung của xã hội. Thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái là lĩnh vực mà RIC đang đẩy mạnh. RIC mong muốn nhận được sự chung tay, hợp tác của các Nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân và cộng đồng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất tại Việt Nam.

Thay cho lời kết, nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đang đến gần, RIC xin chân thành gửi đến tất cả những người bà, người mẹ, các chị em phụ nữ lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên mọi lĩnh vực.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here