ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Công việc: Tư vấn đánh giá sự tham gia của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 và khuyến nghị chính sách cho giai đoạn 2021-2025

Dự án: “Tăng cường năng lực cho các cộng đồng DTTS thông qua thí điểm và nhân rộng mô hình duy tu bảo dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng trong chương trình 135 tại tỉnh Hoà Bình và Trà Vinh” của Trung tâm RIC

Địa điểm: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Giang, Kon Tum và Trà Vinh

Thời gian: Từ tháng 02 – 03/2021

Báo cáo cho: Giám đốc của RIC

 

Giới thiệu về trung tâm RIC:

Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) được thành lập từ năm 2009, trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) theo quyết định số 1160/QĐ-LHH ngày 28 tháng 8 năm 2009. Mục tiêu của Trung tâm là kết nối và thúc đẩy các sáng kiến trong việc nâng cao năng lực tự quản cho cộng đồng thiểu số hướng tới phát triển cộng đồng bền vững.

Sau 10 năm, các dự án RIC thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng: góp phần xây dựng năng lực tự quản cho cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của người dân trong tiến trình phát triển tại địa phương; Hỗ trợ thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của nhà nước như Pháp lệch dân chủ cơ sở, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật trẻ em; Thúc đẩy đối thoại cởi mở và hiệu quả giữa chính quyền và người dân; Góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân: nâng cao thu nhập, cơ sở hạ tầng, nước sạch, vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp, hoạt động văn hóa văn nghệ, bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân tộc; tăng cường thực hiện quyền phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là quyền tham gia.

Từ năm 2013, với sự hỗ trợ từ Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid) thông qua dự án “Tăng cường năng lực cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua thí điểm và nhân rộng mô hình vận hành bảo trì và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng trong chương trình 135 tại tỉnh Hòa Bình và Trà Vinh”, RIC đã phối hợp cùng Uỷ ban dân tộc, Ban dân tộc các tỉnh và các đối tác thúc đẩy các mô hình phân cấp, trao quyền cho cộng đồng trong xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình CSHT quy mô nhỏ tại các xã 135. Mô hình cũng đã được chia sẻ và nhân rộng thông qua việc lồng ghép thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước theo các Nghị định và thông tư của chính phủ về cơ chế đặc thù trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thông tin chung về dự án

Dự án “Tăng cường năng lực cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua thí điểm và nhân rộng duy tu bảo dưỡng và xây dựng công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng trong chương trình 135 tại tỉnh Hòa Bình và Trà Vinh” dưới sự tài trợ của Cơ quan viện trợ Ireland (Irish Aid) được RIC thực hiện tại 02 tỉnh Hòa Bình và Trà Vinh trong giai đoạn từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2021.

Mục tiêu cụ thể của dự án: Thúc đẩy các cộng đồng dân tộc thiểu số tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của chương trình 135 dành cho duy tu bảo dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng hướng tới giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn.

Các kết quả mong đợi của dự án:

Kết quả 1: Duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng dựa vào cộng đồng được lồng ghép, thực hiện tại tỉnh Hòa Bình và nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh;

Kết quả 2: Các cộng đồng dân tộc thiểu số quản lý và thực hiện hiệu quả việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ trong chương trình 135;

Kết quả 3: Kiến thức và kinh nghiệm thực hiện duy tu bảo dưỡng và xây dựng công trình CSHT dựa vào cộng đồng được phổ biến và áp dụng tại các tỉnh ngoài dự án thông qua hợp tác với Ủy ban Dân tộc (UBDT).

Lý do/cơ sở và mục đích của hoạt động tư vấn:

  • Chính phủ đã ban hành Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 2/12/2017 về Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; và ban hành Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 về Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 161/2016/NĐ-CP.
  • Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Vụ kinh tế Nông nghiệp là cơ quan tham mưu cho chính phủ trong xây dựng và theo dõi việc tổ chức thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP.
  • Ủy ban dân tộc đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-UBDT ngày 10/5/2017 Qui định chi tiết thực hiện Dự án 2, đặc biệt là nội dung xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã 135 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
  • Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/06/2020 Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó nêu rõ nguyên tắc thực hiện Chương trình: “đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số
  • Nghị quyết số 120/2020/QH14 cũng đã giao Chính phủ triển khai thực hiện các nhiệm vụ Nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm, điều kiện của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 02 Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình mục tiêu đang thực hiện để đưa vào Chương trình này”; và “Quy định cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
  • Trung tâm nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) đã và đang thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cho các cộng đồng DTTS thông qua thí điểm và nhân rộng mô hình duy tu bảo dưỡng và xây dựng CSHT qui mô nhỏ dựa vào cộng đồng trong Chương trình 135” do Irish Aid tài trợ tại các tỉnh Hoà Bình, Trà Vinh, Quảng Trị và Hà Giang đã thu được nhiều kết quả tích cực và bài học kinh nghiệm hay.

Nhằm đánh giá sâu sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ trong khuôn khổ Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020, phân tích thuận lợi khó khăn và đề xuất cơ chế giải pháp chính sách đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, Văn phòng điều phối Chương trình 135, Ủy Ban dân tộc phối hợp với  Vụ Kinh tế Nông nghiệp, Bộ kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm RIC thực hiện khảo sát đánh giá tại một số tỉnh. Dự kiến là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh trong thời gian từ tháng 02 – 03 năm 2021.

Mục tiêu cụ thể:

Đánh giá sâu sự tham gia của cộng đồng trong công tác duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng qui mô nhỏ có kỹ thuật đơn giản theo cơ chế đầu tư đặc thù được quy định bởi Nghị định 161/2016/NĐ-CP trong Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 tại các tỉnh khảo sát, từ đó xác định các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc liên quan đến duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

  • Phân tích bài học kinh nghiệm từ các mô hình, sáng kiến cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng qui mô nhỏ và kỹ thuật đơn giản trong các dự án tài trợ của các tổ chức RIC và các chương trình, dự án khác (như CTMTQG xây dựng Nông thôn mới) tại các tỉnh khảo sát.
  • Khuyến nghị các giải pháp chính sách nhằm đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Trung tâm RIC tìm kiếm một nhóm chuyên gia có kinh nghiệm để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này. Phạm vị công việc, trách nhiệm và các sản phẩm đầu ra cụ thể của tư vấn được mô tả cụ thể trong các phần dưới đây.

Phạm vi công việc/ trách nhiệm:

  1. Làm việc/thảo luận với RIC và UBDT để nắm được mục đích và kết quả mong đợi của công việc tư vấn.
  2. Rà soát hệ thống văn bản chính sách liên quan đến duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 ở cấp Trung ương và địa phương và các báo cáo, đánh giá, nghiên cứu, tài liệu hội thảo… sẵn có liên quan đến duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù.
  3. Xây dựng đề cương/câu hỏi chính khảo sát, đánh giá nhanh ở địa phương và thực hiện khảo sát thực địa tại 4 tỉnh (dự kiến: Cao Bằng, Bắc Giang, Kon Tum, Trà Vinh), tập trung vào các kết quả/thuận lợi, khó khăn/thách thức, bài học/sáng kiến về phát huy vai trò của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong Chương trình 135, và trong các dự án của các đối tác phát triển tại các địa phương khảo sát.
  4. Chuẩn bị Chương trình và bài trình bày cho cuộc họp nhóm/họp kỹ thuật/tham vấn chuyên gia về các thông điệp chính sách do nhóm tư vấn đề xuất.
  5. Xây dựng Báo cáo khuyến nghị chính sách (bản đầy đủ) nhằm tăng cường sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
  6. Xây dựng Báo cáo tóm tắt khuyến nghị chính sách (Policy Brief) nhằm tăng cường sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025.
  7. Chuẩn bi bài trình bày và phối hợp với các bên chuẩn bị Chương trình Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025”.

Các sản phẩm đầu ra:

  1. Báo cáo rà soát chính sách liên quan đến duy tu, bảo dưỡng và thực hiện xây dựng công trình cơ sở hạ tầng theo cơ chế đầu tư đặc thù trong Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 ở cấp TW và địa phương.
  2. Khung đề cương khảo sát (vấn đề, phương pháp, địa bàn và kế hoạch khảo sát) và các bản ghi chép nội dung trao đổi với các bên trong quá trình khảo sát.
  3. Báo cáo Khuyến nghị chính sách (bản đầy đủ).
  4. Báo cáo Tóm tắt khuyến nghị chính sách (tổng hợp từ các báo cáo rà soát chính sách và báo cáo khảo sát).
  5. Bài trình bày power point và chương trình/ kế hoạch thúc đẩy họp kỹ thuật và hội thảo tham vấn chính sách.

Toàn bộ các sản phẩm đầu ra đều bằng tiếng Việt.

Tiêu chí lựa chọn:

  • Có hiểu biết chung về việc thực hiện các chương trình chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và nông thôn miền núi Việt Nam, đặc biệt là có hiểu biết sâu về các chính sách, cơ chế liên quan đến phân cấp, trao quyền cho cộng đồng trong quá trình thực hiện các Chương trình, chính sách
  • Có kinh nghiệm đánh giá về cơ chế đặc thù trong thực hiện duy tu, bảo dưỡng và xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ theo nghị định 161 là 1 lợi thế.
  • Có kinh nghiệm trong thiết kế và thực hiện các đánh giá, khảo sát, phân tích và đưa các hàm ý, khuyến nghị chính sách.
  • Có khả năng tổng hợp các vấn đề, lắng nghe ý kiến quan điểm khác nhau của các bên liên quan và xây dựng các bản góp ý chính sách một cách cụ thể, súc tích, rõ ràng.
  • Có kỹ năng và kinh nghiệm trình bày tại các hội thảo tham vấn chính sách cấp quốc gia một cách rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục.
  • Thái độ và tinh thần làm việc tích cực, hợp tác và tôn trọng.

Thông tin liên hệ:

Các chuyên gia quan tâm xin gửi hồ sơ (bao gồm CV, đề xuất kỹ thuật và đề xuất về tài chính) qua email/hoặc bưu điện về địa chỉ dưới đây trước ngày 31 tháng 01 năm 2021

  • Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC)
  • Phòng 407, Chung cư Pakexim 1, Số 49 Ngõ 15 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội
  • Điện thoại: 043 2121 882
  • Email: ricvietnam2009@gmail.com

 

 

Giám đốc trung tâm

(đã duyệt)

Lê Văn Hải

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here