Kỹ năng thúc đẩy đã thực sự được áp dụng thông qua việc đổi mới phương pháp dạy và học của thầy và trò trường THCS xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn

0
65

Trường THCS xã Dân Hoà nằm trên quốc lộ 6, ở vị trí trung tâm của xã Dân Hoà, là một ngôi trường nhỏ với 22 giáo viên – công nhân viên chức. Toàn trường có 4 lớp với 93 học sinh gồm 54 nam, 39 nữ, 8 em học sinh thiệt thòi. Số học sinh là người dân tộc Mường chiếm 90% số học sinh trong toàn trường.

Tháng 6/2011 được giới thiệu về Dự án “Thúc đẩy Quản lý Cộng đồng tại Việt Nam” – PCM, thầy và trò nhà trường đã bầu ra Nhóm nòng cốt (NNC) giáo viên gồm 10 thầy cô và NNC học sinh gồm 12 em. Thầy cô giáo và các em học sinh trong NNC đã được nâng cao năng lực về Quản lý cộng đồng, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Kỹ năng thúc đẩy, Quản lý tài chính… Bên cạnh đó các em đã được hướng dẫn và hỗ trợ để biết cách xác định những khó khăn/nhu cầu và lựa chọn ưu tiên để giải quyết những khó khăn/nhu cầu này nhằm giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Qua thực hiện 3 Tiểu dự án (TDA) của Quỹ cộng đồng quản lý là “Đảm bảo an toàn tài sản cho học sinh và giáo viên qua xây dựng nhà để xe”; “Cải thiện điều kiện học tập môn thể dục cho học sinh” và “Thúc đẩy phong trào văn nghệ cho học sinh” đã khuyến khích thầy và trò nhà trường hiểu sâu hơn, rộng hơn đặc biệt là việc áp dụng các kỹ năng, phương pháp của Quản lý cộng đồng (QLCĐ) vào thay đổi phương pháp dạy và học trong nhà trường.

Tháng 01/2012 Quỹ Thưởng của dự án PCM đã được trao cho Trường THCS xã Dân Hòa. Một “vòng quay” lại bắt đầu với qui trình của QLCĐ với các em học sinh và thầy cô giáo nhà trường.

Thay đổi phương pháp giảng dạy – một công việc tưởng chừng như sẽ khó thay đổi vì nó được coi là ăn sâu, bám rễ vào mỗi giáo viên trong trường trong nhiều năm thì nay đã thực sự được thay đổi. Một phần vì thầy cô giáo trong trường có tới 80% là giáo viên trẻ, hai là qua quá trình tham gia tập huấn với dự án PCM thầy và trò nhà trường đã nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới cách dạy học truyền thống là đọc – chép sang phương pháp tăng cường sự tham gia của học sinh, DẠY lấy học sinh làm trung tâm, học sinh được thực hành nhiều.

Tiểu dự án “Thúc đẩy sự tham gia của các em Học sinh trường trung học Dân Hoà vào việc học tập thông qua đổi mới phương pháp dạy học” với tổng kinh phí là 4,300,000đ trong đó PCMM hỗ trợ: 3,000,000đ, nhà trường và phụ huynh đóng góp là: 1,300,000đ. Kết quả là TDA đã trang bị được 20 bảng sinh hoạt nhóm, 150 bút dạ các màu, 2 gram thẻ màu, 100 tờ giấy Ao… và các thầy cô giáo đã sử dụng các vật dụng đó để biến nó thành sản phẩm cho 48 tiết học ở các môn Toán, Sử, Văn, Anh, Địa lý, Hoá, Sinh, Vật lý trong học kỳ II năm học 2011 – 2012 như bài “Thời tiết” của môn Tiếng Anh lớp 6, bài “Đơn thức đa thức” của môn Toán lớp 7, bài “Hoán dụ” và bài “Thành phần chính của câu” ở môn Tiếng Việt lớp 6, bài “Phương trình cân bằng nhiệt” của môn Vật lý lớp 8… Các phương pháp thúc đẩy cũng được các thầy cô áp dụng nhuần nhuyễn hơn. Cô Phạm Hồng Thoan chia sẻ “Trước đây chúng tôi cũng áp dụng các phương pháp giống như là Tia chớp mỗi khi vào đầu tiết dạy nhưng lại bình luận luôn câu trả lời của học sinh. Sau khi tham gia tập huấn tôi đã hiểu rõ hơn và phân biệt được sự khác nhau, mục đích của từng phương pháp, kỹ năng và biết xác định phương pháp, kỹ năng nào thì sử dụng vào lúc nào là phù hợp”.

Mới qua một học kỳ tuy chưa áp dụng được nhiều nhưng việc học theo phương pháp tham gia khiến học sinh có hứng thú học hơn, từ đó đạt được hiệu quả cao hơn: học sinh hiểu bài nhanh hơn, không còn rụt rè, e ngại khi được thầy cô mời “tham gia”. Bên cạnh đó các em cũng đã mạnh dạn tham gia các hoạt động chung của nhà trường.

Một số hình ảnh về các sản phẩm trực quan trong trường THCS Dân Hòa:

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here