Lợi ích kép của cây chuối đối với người dân vùng cao

0
546

Xóm Sáng Mới, xã Đú Sáng có 119 hộ. Từ nhiều năm nay, người dân trong xóm thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Đặc biệt vào những tháng mùa khô, gần nửa số hộ trong xóm phải mua nước, giá lên tới 80.000 đồng/m3. Trung bình, mỗi hộ phải bỏ ra từ 2 đến 3 triệu tiền mua nước mỗi năm mà mọi sinh hoạt thường ngày vẫn phải dè dặt.

Bao quanh xóm Sáng Mới là dãy núi đá vôi. Người dân sống sát chân núi đá dùng ti ô dẫn nước về nhà. Bà Bùi Thị Nhóm, 56 tuổi cho biết: “Nhà tôi sống ở đây từ năm 1990, bao nhiêu năm vẫn lấy nước ở khe Rò Rẹt này. Tôi nhớ, năm nào khe cũng cạn nước ba bốn tháng mùa khô. Cứ đến Tết là không có nước dùng, phải đi gánh nước suối cách nửa cây số”.

Ảnh 1: Diện tích trồng chuối tại khe Rò Rẹt, xóm Sáng Mới nay đã lên tới ba héc ta

Khe Rò Rẹt xưa kia chỉ toàn lau lách. Cách đây sáu năm, một vài hộ gia đình trong xóm vỡ đất khai hoang để trồng chuối. Tới nay, diện tích trồng chuối lên tới ba héc ta. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá thành ổn định. Điển hình như hộ ông Bùi Văn Kín, với hơn một héc ta chuối tây cho thu nhập 40 triệu đồng một năm.

Ảnh 2: Thương lái thu mua chuối tận vườn

Không chỉ mang đến lợi ích kinh tế trực tiếp cho mười hộ trồng, cây chuối còn giúp hơn 60 hộ khác của xóm Sáng Mới giải quyết được vấn đề thiếu nước sinh hoạt. Ông Bùi Văn Dịch, bí thư chi bộ xóm cho biết: “Khoảng ba năm trở lại đây, nước trong khe Rò Rẹt chảy nhiều và có đều quanh năm. Các hộ dân thấy vậy bàn nhau góp tiền mua ống dẫn, ba bốn nhà chung một đường ống. Đường ống xa nhất phải hơn 1000m. Vì đủ nước nên không xảy ra tranh chấp, chỉ bất tiện cho người dân là đường ống nhỏ hay bị tắc do lá cây, cá suối chui vào. Xóm đã nghĩ góp mỗi hộ năm mươi nghìn tiền mặt xây bể chứa đầu nguồn để đảm bảo vệ sinh hơn”.

Ảnh 3: Gần hai chục đường ống dẫn nước lấy từ khe Rò Rẹt của sáu mươi hộ dân

Việc trồng chuối của người dân xóm Sáng Mới mang lại lợi ích kép đã được chính quyền địa phương ghi nhận. Ông Bạch Công Quỳnh, chủ tịch UBND xã Đú Sáng cho rằng: “Các xóm khác nên học tập xóm Sáng Mới, trồng các loại cây có khả năng giữ nước trên đầu nguồn để tạo thủy. Đặc biệt là một số xóm có công trình nước tự chảy được nhà nước đầu tư, không nên vì lợi ích cá nhân mà phá hết rừng để trồng keo dẫn tới cạn kiệt nước nguồn. Công trình nước mà không bảo vệ được nguồn nước thì sẽ mất tác dụng”./.

Ảnh 4: Nhà bà Nhóm có đủ nước sinh hoạt quanh năm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here