Một hội thảo đậm chất Kỳ Sơn

0
86

“Gần gũi, nhiệt tình và rất… chất”, đó là những từ được các đại biểu Huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên dành tặng cho người dân thị trấn Kỳ Sơn trong chuyến thăm ngày 20/9 tại Hoà Bình.

Sáng 20/9, Trung tâm nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng- RIC phối hợp với ban quản lý World Vision Phù Cừ, Hưng Yên đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Quỹ sáng kiến tại Hội trường Khu 1, Thị trấn Kỳ Sơn, Tỉnh Hoà Bình. Ngay từ sáng sớm, nhân dân khu 1 thị trấn Kỳ Sơn đã bài trí khang trang Nhà văn hoá khu để đón tiếp các đại biểu về tham dự buổi chia sẻ. Đến đây, từ người già đến người trẻ đều rất phấn khởi, hào hứng. Ai cũng mong được gặp mặt nhân dân vùng dự án huyện Phù Cừ. Một mặt trao đổi kinh nghiệm thực hiện và quản lý dự án, mặt khác giao lưu, học hỏi, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai vùng dự án của World Vision.

Đúng 9h sáng, chuyến xe đưa các đại biểu Huyện Phù Cừ, Hưng Yên đã có mặt tại Nhà văn hoá khu 1. Các đại biểu được người dân khu 1 đón tiếp rất nhiệt tình. Và chúng tôi, những cán bộ dự án của RIC có mặt nhận thấy, giữa họ có một điểm chung rất dễ nhận ra: Sự gần gũi, giản dị thể hiện từ dáng vẻ bên ngoài đến sự thân tình, cởi mở từ chính bên trong họ.


Các đại biểu nghe chia sẻ kinh nghiệm của CT UBND Huyện Kỳ Sơn

Sau màn chào hỏi và giới thiệu, hội thảo nóng hơn với những chia sẻ kinh nghiệm của các cán bộ thuộc Dự án Thúc đẩy Quản lý cộng đồng- PCM2, Kỳ Sơn. Về vấn đề này, PCT UBND thị trấn Kỳ Sơn, Trưởng ban QLDA Thị trấn Kỳ Sơn, Ông Bùi Đức Duy phát biểu: “Thực hiện dự án, ngoài kế hoạch hoạt động rõ ràng, chi tiết, sự công khai, minh bạch trong tài chính đến sự nhiệt tình, tâm huyết của người dân thì cần có một tấm lòng vì nhân dân phục vụ”.

Vì sao thế, ông nói: “Khi thực hiện dự án, bản thân ông là người duy nhất trong khối Uỷ Ban Thị trấn nằm trong BQL dự án. Công việc trên uỷ ban rất bôn bề nhưng ông vẫn tham gia dự án một cách nhiệt tình, trách nhiệm, không đòi hỏi và tiền thù lao cho ông chỉ có vẻn vẹn hai trăm nghìn đồng một tháng. Có khi phải bỏ tiền túi để bù tiền xăng xe”. Chia sẻ của ông nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo huyện Phù Cừ, Ông Phan Văn Hiệu. Ông Hiệu cũng nói thêm: “Dù có khi làm không công nhưng chúng tôi vẫn làm vì chúng tôi biết thực hiện dự án là có lợi cho dân, cho chính cuộc sống của chúng ta và vì lợi ích xã hội”.


Chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu Hưng Yên

Trước khi dự án về, cuộc sống của người dân hai vùng còn gặp nhiều khó khăn về vật chất, từ đó không tránh khỏi những nghèo nàn về tinh thần. Đối với thị trấn Kỳ Sơn, đó là khó khăn về nước sinh hoạt. Tiểu khu 1– khu Pheo Kỳ sơn, các hộ phải sử dụng nước sinh hoạt bằng giếng đào bị ô nhiễm do ngấm phân gia súc, gia cầm. “Thời tiết hạn hán kéo dài, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt về mùa khô. Nhiều hộ phải đi xin nước ở tiểu khu khác, việc giặt giũ quần áo được thực hiện ở Sông Đà- cách khu 2km; trung bình chúng tôi phải mất 2h/ngày để mang quần áo đi giặt”- Trưởng nhóm cộng đồng khu Pheo giãi bày. Thế nhưng khi có dự án, người dân có nước sạch về tận nhà. Hệ thống nước tự chảy được xây dựng, vừa đảm bảo vệ sinh, nguồn nước lại ổn định, có thể cung cấp nước quanh năm với chi phí thấp. Ngoài kinh phí xây dựng công trình do PCM2 tài trợ, bà con nhân dân chỉ phải đóng góp phí bảo trì công trình 10 nghìn đồng/tháng, quỹ do chính người dân tự quản.

Còn với người dân huyện Phù Cừ, Hưng Yên, nếu trước kia, 100% đường thôn ngõ xóm đều là đường đất. Thì nay, đường giao thông đã được bê tông hoá. Giao thông thuận tiện hơn, bộ mặt thôn xóm khang trang, sạch sẽ hơn. Quan trọng hơn cả, qua đây, bà con học được cách thực hiện dự án, cách thức tổ chức, quản lý dự án, cách thức phân công công việc cụ thể cho các thành viên theo năng lực của từng người (kinh nghiệm về thi công – phụ trách thi công, kinh nghiệm giám sát – phụ trách giám sát…); có sự hỗ trợ lẫn nhau thường xuyên trong quá trình triển khai. Luôn luôn minh bạch và công khai trong mọi hoạt động và tài chính.


Các đại biểu thực địa công trình nước tự chảy khu Pheo

Qua những chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên, PCT Huyện Phù Cừ- Ông Phan Văn Hiệu tổng kết và chỉ ra một số kinh nghiệm cần được học hỏi: Một là mô hình quản lý quỹ ở Kỳ Sơn. Nếu như ở Phù cừ, quỹ được Ban quản lý dự án quản lý thì ở Kỳ Sơn, kinh phí được chuyển trực tiếp cho dân, quỹ do chính nhân dân làm chủ với nguyên tắc chặt chẽ và cũng hết sức công khai, rõ ràng, rất đáng để học tập. Hai là: Kinh phí chia làm 3 mục: quỹ Quản lý cộng đồng, quỹ sáng kiến và quỹ thưởng. Việc chia quỹ giúp quản lý công khai và giúp sử dụng hiệu quả nguồn quỹ.

Dù còn nhiều điều chưa nói hết nhưng trong khuôn khổ thời gian có hạn, các đại biểu tạm hài lòng với những kết quả đạt được trong buổi chia sẻ kinh nghiệm sáng. Buổi chiều, các đại biểu được thực địa tại công trình nước tự chảy khu Pheo, một trong những tiểu dự án thành công nhất ngay cả khi dự án PCM2 đã rút khỏi vùng.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Chia tay với cán bộ nhân dân Thị trấn Kỳ Sơn, các đại biểu Phù Cừ ra về với nhiều lưu luyến. Chỉ qua buổi chia sẻ kinh nghiệm ngắn ngủi, nhưng nhân dân Kỳ Sơn đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng các đại biểu Phù Cừ, đó là sự thân thiện, mến khách, nhiệt tình, đặc biệt là sự đổi mới, tiến bộ trong cuộc sống của nhân dân nơi đây.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here