Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình quản lý cộng đồng với tổ chức Tầm nhìn thế giới

0
579

Dự án Thúc đẩy Mô hình Quản lý Cộng đồng tại Việt Nam (viết tắt là PCMM được Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thuỵ Sỹ – SDC tài trợ thực hiện ở 3 tỉnh Quảng Bình, Nam Định và Hòa Bình từ tháng 7 năm 2008, do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển vì Phụ nữ và Trẻ em – DWC thực hiện. Mục đích của dự án là các cộng đồng tự quản tại cấp cơ sở đóng góp vào việc giảm nghèo và quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng, củng cố và mở rộng Mô hình Quản lý Cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng (đặc biệt là người nghèo, thiệt thòi) vào quá trình lập kế hoạch và ra quyết định tại địa phương.

Tại Hòa Bình, Trung tâm DWC hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) để thực hiện các hoạt động dự án tại địa phương. Sau hơn 2 năm thực hiện (4/2009 – nay), dự án PCMM tại Hòa Bình đã đạt được những kết quả rất tích cực cả trong quản lý và thực hiện dự án, được cộng đồng, chính quyền và các bên liên quan đánh giá cao. Từ khi triển khai dự án đến nay, RIC đã đón 05 đoàn thăm quan của nhà tài trợ SDC, nhiều chuyến thăm quan của lãnh đạo chính quyền địa phương ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, cách tiếp cận Quản lý Cộng đồng (CM) của dự án đã được nhiều bên liên quan, tổ chức và các chương trình, dự án khác thăm quan học tập (như đoàn đại biểu 4 nước G4 – Nauy, Thụy Sỹ, NiuDilan và Canada; đoàn đại biểu của Đại sứ quán Thụy Sỹ…..) Đây là một trong những kết quả quan trọng góp phần nhân rộng cách làm, cách tiếp cận Quản lý Cộng đồng ra toàn quốc.

Ngày 26/7/2011, Trung tâm RIC cùng với các đối tác địa phương đã đón Đoàn thăm quan học tập của Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Chương trình Phát triển vùng Tiên Phước (Quảng Nam) tại vùng dự án xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (đoàn gồm 20 người, trong đó có 01 nhân viên dự án huyện, 04 trưởng ban quản lý dự án xã, 5 cộng tác viên xã và 10 trưởng ban phát triển thôn).

Trưởng ban quản lý dự án xã, vùng Tiên Phước chia sẻ

Buổi sáng, đoàn đã cùng với Trung tâm RIC, Đại diện Ban quản lý dự án, Nhóm nòng cốt, Nhóm cộng đồng và Thúc đẩy viên trao đổi, chia sẻ cởi mởi về Mô hình hoạt động của hai dự án. Đồng thời, đoàn cũng được tiếp thu nhiều bài học kinh nghiệm về sự phối hợp của các bên liên quan, kinh nghiệm huy động các sáng kiến và huy động sự tham gia của người dân trong dự án PCMM. Buổi chiều, đoàn có buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án cùng xóm Vành, xã Mông Hóa và thăm quan các công trình/tiểu dự án mà xóm đã làm.

Ông Lê Văn Hải – Giám đốc RIC chia sẻ

Sau 1 ngày làm việc, đoàn đã đánh giá cao những kết quả của chuyến thăm quan học tập: “Đoàn đã có cơ hội để gặp gỡ trực tiếp cán bộ Dự án, cán bộ chính quyền địa phương và các thành viên đại diện cho cộng đồng dân cư, thông qua đó đoàn đã tìm hiểu và học hỏi rất nhiều vấn đề xung quanh Dự án PCMM ở xã Mông Hóa – huyện Kỳ Sơn” – Ông Lê Văn Tuyển – trưởng đoàn thăm quan.

Cụ thể, có 05 bài học thực tế, đoàn thăm quan đã rút ra từ dự án PCMM tại huyện Kỳ Sơn:
1- Công tác tổ chức tại thôn/xóm, gồm có nhóm nòng cốt, nhóm cộng đồng. Nhóm này do người dân bầu ra, không kiêm nhiệm công tác chính quyền địa phương. Ngoài ra, còn có đội ngũ thúc đẩy viên hỗ trợ cho thôn/xóm.Với cách tổ chức như vậy đã giúp cho dự án được thực hiện hiệu quả và tiết kiệm.

2- Mọi hoạt động địa phương đều xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, do cộng đồng làm và có sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền địa phương.

3 – Lập kế hoạch, đề xuất sáng kiến cộng đồng do người dân trong thôn họp thống nhất, quy định tiêu chí đóng góp cũng như các hình thức sử dụng, bảo dưỡng…

4- Chuyển giao bền vững: ngay khi bắt đầu thực hiện các hoạt đông, dự án đã tổ chức hội thảo với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các ban ngành đoàn thể địa phương….. nhằm huy động các nguồn lực tài chính để khi dự án rút đi Mô hình vẫn được duy trì bền vững và tiếp tục nhân rộng.

5- Các hoạt động của cộng đồng khi được duyệt, tài chính sau khi quyết toán, các khoản đóng góp của dân…. đều được công khai minh bạch và cập nhật tại nhà văn hóa, bảng tin thôn.

Từ những bài học kinh nghiệm đó, Nhóm thăm quan đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam, nhằm thực hiện tốt hơn các hoạt động dự án đã và đang triển khai tại vùng Tiên Phước, Quảng Nam.

Qua chuyến thăm quan của đoàn Tiên Phước, Trung tâm RIC cùng các đối tác của địa phương cũng được chia sẻ, trao đổi về Mô hình, các hoạt động dự án của vùng Tiên Phước, những khó khăn/cản trở khi thực hiện dự án….đồng thời, cả 2 bên đều có những cam kết tiếp tục duy trì sự hợp tác, phối hợp với nhau trong thời gian tới, đặc biệt là tăng cường các buổi chia sẻ kinh nghiệm, tham quan học tập, đảm bảo thực hiện tốt các dự án tại thực địa.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here