TOR: Nghiên cứu trường hợp về vận hành, bảo trì CT CSHT

0
86

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Thực hiện các nghiên cứu trường hợp về vận hành, duy tu bảo dưỡng và quản lý công trình cơ sở hạ tầng trong chương trình 135 và các chương trình, dự án phát triển khác

  1.  Bối cảnh

Dự án Thí điểm vận hành và bảo trì cộng đồng công trình cơ sở hạ tầng tại các xã 135 do Trung tâm nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) thực hiện trong ba năm 2013-2016 với sự tài trợ của Cơ quan Viện trợ phát triển Ireland. Dự án nhằm hỗ trợ người dân ở 6 xã nghèo và dân tộc miền núi tỉnh Hòa Bình xây dựng năng lực để họ có thể tự duy tu bảo dưỡng và vận hành các công trình cơ sở hạ tầng, sử dụng nguồn ngân sách vận hành và bảo trì của Chương trình 135 do UBND xã quản lý. Kết quả thử nghiệm sẽ được dùng để vận động mở rộng mô hình vận hành – bảo trì cộng đồng trong Chương trình 135 và các chương trình, các địa phương khác.

Hoạt động nghiên cứu các mô hình bảo trì cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng được thực hiện trong khuôn khổ hợp phần 3 của Dự án (Hợp phần Chính sách), có mục tiêu tạo môi trường thuận lợi hơn cho việc thực hiện và duy trì mô hình vận hành và bảo trì dựa vào cộng đồng, đặc biệt là vận động để các nhóm cộng đồng giành được kinh phí vận hành và bảo trì từ ngân sách xã.

Việc rà soát các chính sách liên quan đến vận hành và bảo trì cho thấy rằng thời gian gần đây vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào sự tham gia rộng rãi của những người hưởng lợi từ công trình đã trở thành một định hướng quan trọng của nhiều ngành, trong nhiều chương trình mục tiêu quốc gia. Điển hình là các lĩnh vực thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sinh hoạt nông thôn, hoặc các chương trình 135, Nông thôn mới. Rất nhiều các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại và vốn vay của nước ngoài đã đưa ra các quy chế, hướng dẫn, sổ tay thực hiện liên quan đến quy trình bàn giao, vận hành và bảo trì các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn do dự án xây dựng, trong đó có nhấn mạnh vận hành và bảo trì dựa vào cộng đồng. Một số ví dụ là các chương trình do IFAD tài trợ tại hơn 10 tỉnh trong cả nước, chương trình 135 pha 2 với hỗ trợ ngân sách từ các nhà tài trợ, dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc do WB tài trợ. Song việc các quy chế, hướng dẫn, sổ tay không được thực hiện trên thực tế và dần đi vào quên lãng cũng là phổ biến. Theo các báo cáo chính thức, số lượng những công trình hạ tầng nông thôn được vận hành và bảo trì tốt còn khá ít ỏi. Làm thế nào để những người hưởng lợi thực sự tham gia bảo vệ, vận hành và bảo trì công trình cơ sở hạ tầng cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi.

Nghiên cứu trường hợp các mô hình bảo trì cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng nhằm vào việc làm rõ một loạt các điều kiện, các yếu tố và các vấn đề ảnh hưởng đến quá trình và kết quả thực hiện vận hành và bảo trì trên thực tế. Nghiên cứu trường hợp nhằm trả lời câu hỏi trong những hoàn cảnh nào thì vận hành và bảo trì dựa vào cộng đồng có thể thực hiện được. Nghiên cứu sẽ đưa ra các ví dụ cụ thể về các bối cảnh, các điều kiện hiện hữu và các giải pháp đã sử dụng để đạt được kết quả trên thực tế.

 1. Mục tiêu

Các mục tiêu cụ thể đề ra cho nghiên cứu trường hợp các mô hình bảo trì cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng là: 

(1) Tìm kiếm và mô tả tổng quan một số mô hình vận hành và bảo trì đã thành công ít nhất trên một số mặt, bao gồm các phương thức giao công trình cơ sở hạ tầng nông thôn cho cấp cơ sở và người dân tự quản, thành tích thực hiện bảo vệ, vận hành và bảo trì công trình, đảm bảo kinh phí vận hành và bảo trì vền vững, mức độ ủng hộ của người hưởng lợi;

(2) Phân tích các yếu tố làm nên thành công hoặc thất bại của quản lý cộng đồng trong mô hình vận hành và bảo trì, và rút ra được những bài học thực tế đóng góp vào hoạt động vận động chính sách cho vận hành và bảo trì dựa vào cộng đồng.

3. Lựa chọn điểm nghiên cứu

Trong thực tiễn hiện nay, khó có khả năng tìm ra những mô hình vận hành và bảo trì dựa vào cộng đồng theo đúng nghĩa cộng đồng chủ động thực hiện quyền quản lý. Vì vậy, việc tìm kiếm đã tập trung vào các phương pháp tiếp cận có triển vọng nhất, hứa hẹn dẫn đến kết quả thực hiện được vận hành và bảo trì với sự tham gia và đóng góp của đông đảo người sử dụng công trình.

Kết quả rà soát tài liệu và tìm kiếm thông tin cho phép xác định một số địa chỉ nghiên cứu phù hợp với điều kiện tương đối giống với tỉnh Hòa Bình, là địa bàn dự án Thí điểm vận hành và bảo trì cộng đồng công trình cơ sở hạ tầng tại các xã 135.  

Một số chương trình phù hợp như sau:

Dự án Đường giao thông nông thôn RT3 do Ngân hàng Thế giới tài trợ, Chương trình Nông thôn mới, các chương trình phát triển nông thôn do IFAD tài trợ giai đoạn 1993-2013, dự án Thúc đẩy mô hình quản lý cộng đồng do SDC hỗ trợ, dự án nghiên cứu Bảo trì đường nông thôn dựa vào cộng đồng do ADB/DFID tài trợ, v.,v.,)

4. Khung phân tích

Mỗi nghiên cứu trường hợp, trong phạm vi hoạt động can thiệp của từng chương trình, dự án, sẽ:

  • ·        Tìm hiểu mức độ tham gia của cộng đồng trong việc thực hiện các quỹ phát triển xã (CDF) hoặc hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng theo thiết kế dự án
  • ·
  • ·        Mô tả các kết quả vận hành và bảo trì trên thực tế, và các vấn đề nảy sinh trong quá trình vận hành và bảo trì
  • ·

Ngoài ra, trong thời gian khảo sát, cũng sẽ đồng thời thu thập thông tin về việc thực hiện vận hành và bảo trì các công trình của chương trình 135 và chương trình Nông thôn mới trên các địa bàn đã lựa chọn. 

Các cơ sở của quản lý cộng đồng

Nghiên cứu đã thực hiện chỉ ra rằng để nhóm cộng đồng có thể thực sự quản lý công trình hạ tầng, cần xây dựng được một số cơ sở:

  • ·        Cộng đồng phải có cam kết mạnh mẽ đối với công việc quản lý công trình
  • ·        Cộng đồng có phương thức tổ chức phù hợp để cùng tham gia quản lý
  • ·        Cộng đồng có năng lực kỹ thuật tương xứng để đảm đương công việc
  • ·        Cộng đồng có nguồn tài chính tương xứng để thực hiện vận hành và bảo trì bền vững
  • ·        Cộng đồng được tạo điều kiện để thực hành tự quản, trong khi UBND xã thực hiện quản lý theo các kết quả công việc (thay vì tự vận hành và bảo trì từng công trình).

Kết quả của mỗi chương trình, dự án trong vận hành và bảo trì sẽ được đánh giá từ phương diện đóng góp vào việc hình thành từng cơ sở quản lý cộng đồng nói trên.

Các bên tham gia

Vận hành và bảo trì cộng đồng là kết quả tương tác của nhiều đối tác các cấp trong quá trình thực hiện dự án phát triển và sau quá trình này. Khung phân tích các tương tác này đặc biệt quan trọng để hiểu được kết quả và đề ra được các khuyến nghị có tính thực tiễn. Trong phạm vi các nghiên cứu trường hợp sẽ xem xét tác động của bốn bên tham gia tương tác: chương trình/dự án can thiệp về cơ sở hạ tầng, chính quyền cấp xã nơi có cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư hưởng lợi, và chính quyền cấp huyện và tỉnh.

Phân tích tác động của các bên tham gia nói trên đối với việc hình thành các yếu tố của cộng đồng quản lý sẽ được đề cập trong báo cáo và nghiên cứu.

5. Sản phẩm

Báo cáo Nghiên cứu trường hợp sẽ bao gồm ba nội dung:

(1)        Mô tả và phân tích các trường hợp riêng của từng chương trình, dự án khác nhau

(2)        Tổng hợp các phát hiện từ các nghiên cứu và so sánh các nghiên cứu trường hợp

(3)        Rút ra các bài học về chính sách và vận động chính sách.

Ngoài Báo cáo nghiên cứu, sản phẩm của Nghiên cứu trường hợp cũng bao gồm các tài liệu và hình ảnh thu được từ các chuyến khảo sát. Báo cáo và các tài liệu này sẽ được sử dụng để xây dựng các sản phẩm vận động chính sách, phục vụ diễn đàn vận hành và bảo trì dựa vào cộng đồng do dự án tổ chức và các hoạt động vận động chính sách khác.

6. Kế hoạch nghiên cứu và ước tính ngân sách

Thời gian:  Thời gian thực hiện trong tháng ………/2016

Ngân sách:

Ngân sách tư vấn đề xuất căn cứ vào số lượng mô hình ít nhất 2 mô hình được tiến hành nghiên cứu, thời gian nghiên cứu và lựa chọn địa điểm và mô hình được tính bằng 1 ngày làm việc, thời gian thực địa được tính bằng 3 ngày, thời gian phân tích và viết báo cáo không quá 3 ngày làm việc, thời gian chia sẻ kết quả với dự án là 1 ngày.

 Các chuyên gia quan tâm xin gửi CV và đề xuất kỹ thuật và tài chính qua email/hoặc bưu điện về địa chỉ dưới đây trước ngày 20/9/2016:

–         Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC)

–         Phòng 407 Chung cư Pakexim 1, Ngõ 15 đường An Dương Vương  Phú Thượng, Nhật Tân, Hà Nội

–         Điện thoại: 043 2121 882

–         Email: info@ric.org.vn ; hai.pcmm.hb@gmail.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here