Những sáng kiến thực tiễn cho cộng đồng yếu thế

0
269

NDĐT – Chiều 8-11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), 22 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã giới thiệu Triển lãm “Góc nhìn mới về phát triển” những sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề cho cộng đồng yếu thế về Minh bạch, Quyền Tình dục, Biến đổi khí hậu, và Quyền được lắng nghe.

Sau 25 năm đổi mới, 28 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo. Tuy nhiên, những năm gần đây, những hình thái nghèo mới lại xuất hiện và tập trung vào một số đối tượng như người nhập cư, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ.

Không chỉ là về tiền bạc, họ còn là “nghèo” về cơ hội tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ; “nghèo” về bình đẳng xã hội. Một bộ phận dân số có cơ hội tiếp cận dễ dàng các dịch vụ xã hội, trong khi đó, nhóm hộ mới thoát nghèo lại có xu hướng lâm vào tình trạng không bền vững, dễ quay trở lại nhóm nghèo.

Triển lãm “Góc nhìn mới về phát triển” là nơi 22 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam cùng nhau mang tới những sáng kiến thể hiện sự dấn thân, sức sáng tạo, tính hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề trong bốn lĩnh vực: Minh bạch, Quyền Tình dục, Biến đổi khí hậu, và Quyền được lắng nghe của các nhóm thiểu số. Qua đây, các tổ chức sẽ chia sẻ một góc nhìn mới về cách giải quyết các vấn đề phát triển xã hội.

Trong số đó, có một số sáng kiến nổi bật và có giá trị thực tiễn. Điển hình như “Lúa chịu mặn RVT” năng suất cao, sinh trưởng tốt trên những vùng ruộng nhiễm mặn; chương trình tư vấn trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản với tên gọi “Tâm sự bạn trẻ 360”; New Light – “Phòng khám của niềm hy vọng” dành riêng cho người khuyết tật; “Cặp – phao cứu sinh” nhằm bảo đảm sự an toàn tính mạng cho học sinh vùng sông nước, chịu ảnh hưởng của lũ lụt…

Ngoài cơ hội tìm hiểu cụ thể về sáng kiến của các tổ chức thông qua những hình ảnh và sản phẩm trưng bày, khách tới triển lãm còn có thể trò chuyện trực tiếp với bộ phận những người yếu thế được hưởng lợi và cán bộ thực hiện dự án, tham gia tọa đàm với các nhà hoạch định chính sách và giới truyền thông, đồng thời chia sẻ ý kiến của mình về các giải pháp phát triển.

Bên cạnh đó, khách tham quan còn được thưởng thức những bộ phim ngắn cung cấp kiến thức về bốn lĩnh vực, và trực tiếp chung tay đồng hành với những người bị thiệt thòi qua các hoạt động làm hoa, làm thiệp, và nhiều hoạt động sáng tạo khác. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 9-11-2013.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

 

Ngọc Linh, cô gái trẻ đến từ Quảng Bình, không may bị mất cánh tay trái trong tai nạn khi mới 17 tuổi. Từ vai trò người được hỗ trợ, Linh đã vượt qua khó khăn, mặc cảm và trở thành một cán bộ tích cực, năng động của Hội vì sự Phát triển của Người Khuyết tật tỉnh Quảng Bình.

Chỉ với vài nghìn đồng, khách tham quan đã có thể mua được các sản phẩm thủ công từ những người khuyết tật. Đặc biệt, với mục đích hiểu rõ hơn đời sống của nhóm những người yếu thế, đội ngũ tình nguyện viên sẽ hướng dẫn tận tình nếu như có người muốn tự tay làm các sản phẩm giống như vậy.

Rất nhiều sản phẩm “handmade” được mang “bán đấu giá”, 100% số tiền thu về sẽ được dùng để ủng hộ người khuyết tật.

Chỉ làm từ tăm tre, que kem đã qua sử dụng, nhưng không ít khách nước ngoài đã phải trầm trồ khi nhìn thấy những sản phẩm thủ công này tại triển lãm.

Nguyễn Thảo Vân, em trai cố Hiệp sĩ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng.Vân hiện là giám đốc Công ty Nghị lực sống (Hà Nội), nơi đem đến cơ hội cho nhiều mảnh đời bất hạnh.

LINH PHAN

(Theo báo điện tử nhandan.com.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here