Nước Đồi Đa đã về đến tiểu khu 1

0
82

Khu Pheo khác với 5 khu còn lại của thị trấn Kỳ Sơn bởi là khu duy nhất người dân sống bằng “nghề nông”. Điều kiện kinh tế của các hộ gia đình trong khu còn nhiều khó khăn bởi sản xuất, chăn nuôi phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường. Dân cư sống dọc theo sườn đồi, chia thành nhiều cụm khác nhau, không tập trung. 

Tiểu khu 1 có 18 hộ gia đình với 68 nhân khẩu (41 nữ, 27 nam) trong đó 21 người là thiệt thòi. Các hộ từ trước đến nay chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt bằng giếng đào trong khi nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm không có chuồng trại kiên cố nên phân thải ra ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Hơn nữa những năm gần đây, thời tiết hạn hán kéo dài, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt đặc biệt về mùa khô. Có hộ chỉ có đủ nước ăn, nhiều hộ phải đi gánh từ các hộ ở tiểu khu khác, còn quần áo thì được giặt giũ trên dòng Sông Đà – cách tiểu khu khoảng 2km. Hàng ngày, trung bình mỗi hộ cần có một công lao động với thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ để mang quần áo ra sông giặt. Trên địa bàn thị trấn cũng đã có hệ thống nước máy nhưng do cụm dân cư cách xa trung tâm, người dân cũng không có đủ kinh phí đóng góp để tự lắp đường ống dẫn nước về tiểu khu.
Trong quá trình sản xuất người dân khu Pheo biết trong khu vực Đồi Đa có nguồn nước tự chảy quanh năm không cạn, một số hộ sống gần hơn đã đắp bai tạm (bằng cọc tre, bao tải đất) và dùng ống nhựa dẫn nước về để sử dụng, nhưng tất cả đều làm một cách thủ công không chắc chắn, đặc biệt là không đảm bảo vệ sinh vì phân trâu bò vẫn có thể chảy từ trên đồi xuống, nhất là khi có mưa nước trên đồi tràn vào rất đục, rêu cỏ mọc um tùm trong bai, …

 Nguồn nước được đắp bai bằng cọc tre

Nhóm cộng đồng (NCĐ) khu Pheo đã nhiều lần họp bàn, đến tháng 5/2011 nhóm mạnh dạn đề xuất tiểu dự án xây dựng công trình nước tự chảy với Ban Quản lý Quỹ sáng kiến thị trấn Kỳ Sơn. Trong khi khảo sát ban đầu NCĐ dự định chỉ xây 01 bể nguồn với 2 ngăn: lọc và chứa sau đó dùng ống nhựa dẻo Hải Phòng dẫn nước về từng hộ nhưng khi đưa đề xuất ra BQL thẩm định đã được các ý kiến đóng góp, bổ sung về “tính bền vững” và “tính hiệu suất” của công trình. NCĐ đã hiểu ra và quyết định thu nhỏ diện tích bể lọc đồng thời xây thêm 01 bể chứa tại trung tâm cụm dân cư để việc phân chia nước được thuận lợi và đều hơn.
Tháng 6 trời nóng bức là thế, xong với mong muốn có đủ nước sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt đến mùa khô năm nay không còn phải ra sông Đà giặt quần áo nữa nên sau khi tiểu dự án được thẩm định, cả NCĐ đã họp, phân công nhau vận chuyển vật liệu tới chân Đồi Đa để tiến hành thi công sao cho kịp thu hoạch vụ mùa đang đến gần. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có đường vận chuyển vật liệu đến chân Đồi Đa? Với hơn 1,4km đường đồi, gạch, cát, sỏi, xi măng, sắt…đều chỉ có thể đến chân công trình với sự “trợ giúp” của đôi vai đại diện 18 hộ gia đình vì vậy họ đã phải giành thời gian của ngày đầu tiên để “mở đường”, phát quang bụi rậm sao cho những chuyến “hàng” được vận chuyển một cách thuận lợi nhất.

Chỉ sau 2 ngày nguyên vật liệu đã được tập kết, NCĐ cùng với các bác thợ kỹ thuật tiến hành xây bể lọc, sau đó đào rãnh và chôn lấp ống dẫn nước. Nhờ vậy, chỉ sau vài ngày, công trình nước tự chảy của tiểu khu 1 đã hoàn thành với 01 bể lọc đầu nguồn có thể tích 12m3 và 01 bể chứa kiên cố có thể tích 11, 2m3; 1.400m ống nhựa dẻo Hải Phòng (từ đầu nguồn đến bể chứa) được lắp đặt đúng quy cách đảm bảo cho việc dẫn và cung cấp đủ nước cho các hộ sử dụng. Trong quá trình thực hiện tiểu dự án các thành viên NCĐ tâm sự “lâu ngày không gánh, vác về sưng cả vai nhưng nghĩ tới lợi ích của công trình thì cái đau vai đó lại được quên đi mất rồi” (chị Bưởi- thành viên NCĐ); “đúng là công việc của nhóm cần phải được bàn bạc thấu đáo, thống nhất theo đúng quy trình của Mô hình Quản lý Cộng đồng trong dự án PCMM thì mới đem lại thành công, hiệu quả” Anh Tài- Trưởng NCĐ tâm đắc nói. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here