SDC tổng hành dinh thăm Dự án Thúc đẩy quản lý cộng đồng – PCM tại Kỳ Sơn, Hòa Bình

0
70

Chiều ngày 14/03/2013, Đoàn đại biểu của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) gồm ông Pradeep Itty – Vụ trưởng vùng Đông Á, bà Ruth Huber – Giám đốc SDC khu vực Mê Kông và ông Samuel Wealty – Giám đốc SDC tại Việt Nam, đã đến thăm vùng dự án PCM tại xóm Đoàn Kết 1, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Mục đích của chuyến thăm là nhìn nhận về tính hiệu quả và hiệu suất của dự án trong cải thiện điều kiện sống cho người dân và tìm hiểu cách thức duy trì Nhóm cộng đồng (NCĐ), công trình/Tiểu dự án (TDA) và việc áp dụng Quản lý cộng đồng (QLCĐ) sau khi PCM kết thúc. Đại diện địa phương có bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó CT UBND huyện Kỳ Sơn, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó CT UBND xã Phúc Tiến; Phía dự án có Bà Bùi Thị Kim – Giám đốc PCM cùng các cán bộ dự án đón tiếp Đoàn.

Đoàn đã tham quan công trình “Nước tự chảy” của NCĐ khu 1, sau đó thăm gia đình chị Đinh Thị Đại, hộ nghèo hưởng lợi từ TDA và có cuộc trao đổi cởi mở với chính quyền địa phương và thành viên NCĐ.

Đoàn được nghe những câu chuyện người dân áp dụng quản lý cộng đồng (QLCĐ) để cải thiện cuộc sống nơi đây. Chị Đại cho biết từ khi có nước tự chảy, các khó khăn trong sinh hoạt giảm đáng kể, giải phóng “đôi vai” cho các chị em, không phải dậy sớm, đi gánh nước xa. Vì là hộ nghèo nên gia đình chị được nhóm quan tâm hơn, xây cho một bể chứa nước.

Ông Đinh Công Tần – Trưởng xóm, chia sẻ kết quả áp dụng QLCĐ do PCM hỗ trợ, cũng như áp dụng cách làm của QLCĐ bằng nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân. Ông nhấn mạnh, QLCĐ đã mang lại nhiều sự thay đổi tích cực cho người dân như hiểu rõ hơn về quyền theo quy định của Pháp lệnh dân chủ, nâng cao năng lực cho người dân; công trình tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; người nghèo, thiệt thòi tham gia tích cực, sôi nổi hơn; mối quan hệ giữa người dân và chính quyền gần gũi hơn… Xóm đã áp dụng QLCĐ vào nhiều công việc như làm đường bê tông, nhà để xe tang, công trình nước tự chảy…với tổng kinh phí là 500.790.000 đồng, trong đó hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp là 302.180.000 đồng và dân đối ứng: 198.610.000 đồng, đạt tỉ lệ 39.7%.

Chị Đặng Thị Hồng – Trưởng NCĐ tự hào về những công trình nước nhóm chị đã thực hiện bằng cách của PCM. Chị kể, QLCĐ đã giúp nhóm có được một công trình nước với chi phí rất rẻ và bền. Chị cho biết, trước đây có công trình “Nước tự chảy” của một dự án khác cũng thực hiện tại xóm với tổng đầu tư khoảng 700 – 800 triệu đồng, nhưng chỉ đủ nước cho vài chục hộ và sau khoảng 4 tháng đã hỏng. Trong khi đó công trình của NCĐ, chỉ với 14.494.500 đồng (PCM hỗ trợ: 8.994.500 đồng, dân đóng góp 5.500.000 đồng), NCĐ đã xây dựng được 1 hệ thống nước với 1400 m đường ống, 1 bể lọc 0.5 m3 và 1 bể chứa 4 m3 và đã qua gần 4 năm, công trình vẫn sử dụng tốt. Bên cạnh đó, chị cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay về cách thức duy trì công trình và NCĐ: “Chúng tôi muốn duy trì công trình, NCĐ không chỉ đời chúng tôi mà còn về sau này. Đây là thách thức đối với chúng tôi, cần phải bàn nghiêm túc. Chính vì vậy sau mấy năm hoạt động, nhóm chúng tôi đã quyết định bàn để sửa lại quy chế hoạt hoạt động chặt chẽ hơn, bầu lại trưởng nhóm cộng đồng, nộp quỹ bảo dưỡng công trình và sử dụng quỹ một cách công khai minh bạch.”

Về phía huyện, bà Hạnh chia sẻ thêm, PCM là 1 dự án rất đặc biệt, đã góp phần nâng cao năng lực rõ rệt cho người dân. Dự án có kinh phí nhỏ nhưng làm được nhiều việc và nhiều người hưởng lợi, công trình bền vững nhờ áp dụng QLCĐ. Bên cạnh đó, bà cũng rất tâm đắc với quy trình đối thoại giữa chính quyền và người dân của dự án: gần gũi, cởi mở, có nhiều ý kiến được đưa ra và các ý kiến rất tập trung và được chính quyền giải trình cởi mở, minh bạch. Chính quyền và người dân cùng thảo luận để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Hiện quy trình đối thoại của dự án đã được thể chế hóa tại toàn bộ 10 xã/thị trấn của Huyện. Bà cho biết, bà cũng thường xuyên chia sẻ về QLCĐ, về PCM trong các hội nghị, hội thảo tại huyện, với các dự án khác và huyện khác. Trước khi dự án kết thúc (tháng 1/2012), UBND huyện cũng áp dụng QLCĐ trong dự án “Bảo trì đường giao thông Nông thôn dựa vào cộng đồng” tại xã Mông Hóa. Bà cam kết rằng, UBND huyện sẽ xem xét sử dụng các khoản vượt thu để hỗ trợ cho những xóm/xã có những công trình áp dụng theo QLCĐ.

Đại diện phía SDC, ông Samuel Wealty cùng các thành viên trong Đoàn đã bày tỏ những ấn tượng đặc biệt sâu sắc về những kết quả mà QLCĐ trong dự án PCM tại huyện Kỳ Sơn nói chung và xóm Đoàn Kết 1 nói riêng. Đoàn cho rằng, PCM thực sự là một dự án rất hiệu quả, hiệu suất và QLCĐ đã thực hiện dân chủ thực sự, nâng cao năng lực cho người dân và góp phần tạo ra những công trình tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Dự án đã cho thấy tính bền vững khi các hoạt động áp dụng QLCĐ vẫn được tiếp tục sau khi dự án kết thúc. Ông thay mặt Đoàn, cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt và chân thành của chính quyền và người dân Kỳ Sơn, Hòa Bình đã dành cho Đoàn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here