Tăng cường tính chủ động của người dân trong giải quyết vấn đề cộng đồng: chiếc chìa khóa vạn năng

0
98

Xóm Đồng Bãi, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi là một xóm vùng cao, có 119 hộ với 552 nhân khẩu. Trong đó có 82 hộ nghèo. Diện tích tự nhiên của xóm rộng hơn 527 ha. Chủ yếu là đồi cao và núi đá. Người dân nơi đây, tự bao đời gắn bó với công việc nương rẫy và đồng áng nên lúa, ngô vẫn là những cây lương thực chủ đạo. Như bao xóm vùng cao khác, đời sống của đồng bào nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi cộm nhất là thiếu nguồn nước sinh hoạt ổn định, hợp vệ sinh.

Lần đầu tiên chúng tôi đến đây, những ngày giữa tháng tư, đúng cao điểm của mùa khô trong năm. Người dân gánh quang thùng đi hàng km gánh nước suối về sinh hoạt. Nhìn dòng suối như dòng kênh, nước chảy lờ đờ lẫn những túi ni-lông thuốc bảo vệ thực vật, không ai tránh khỏi ái ngại. Ở vùng cao, hộ nào khá giả mới đào được giếng, vì chi phí, ít ra cũng ngót nghét chục triệu đồng. Những cái giếng như mũi khoan cắm sâu hoắm vào lòng đất mấy chục mét, cũng không đủ nước dùng quanh năm.

8.jpg

Người dân đào giếng sát bờ mương để lấy nước sinh hoạt

Trên những ngọn đồi cao, nguồn nước mát lành miệt mài chảy suốt bốn mùa. Đó là nguồn cung cấp nước lý tưởng cho mô hình công trình nước tự chảy. Khi công trình nước tự chảy xóm Đồng Bãi thi công, chính thức đưa vào vận hành cuối năm 2011, người dân nơi đây mừng vui khôn tả. Mỗi hộ gia đình đều hân hoan lắp đồng hồ nước, xây bể chứa. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, công trình vừa vận hành đã bắt đầu xuất hiện hư hỏng, đường ống nứt, vỡ nên nước thất thoát trong quá trình lưu thông. Hộ nào gần nguồn thì còn ngày có ngày mất, chứ hộ nào ở xa thì tuyệt nhiên nước không chảy tới. Ông Bùi Văn Bành, một hộ từng hưởng lợi từ công trình kể: “Từ ngày có nước về, đồng hồ đo mới được 10 khối nước, gia đình tôi từ đó vẫn ra suối gánh nước về dùng, các hộ khác thì tự dẫn nước khe bằng máng hoặc dây ti-ô về nhà (máng là thân cây tre, cây bương chẻ đôi). Mang tiếng có tổ vận hành công trình lâm thời, tôi được bầu làm tổ trưởng để quản lý, thu 1500đ/m3 nước theo quy chế của xã nhưng đã kịp thu đâu. Cả xóm hơn trăm hộ, giờ chỉ còn lẻ tẻ 15 hộ dùng, người dân không biết kỹ thuật lại không có tiền, thấy đường ống vỡ thì chỉ biết chặt cây nứa để nối, bao nhiêu xăm lốp cũ mang hết ra cắt thành dây chun để đi buộc đường ống, làm như phong trào, vậy mà nước được vài ba hôm lại mất”. Công trình với số vốn đầu tư xây dựng cả nửa tỷ đồng vẫn sừng sừng tọa lạc trên đỉnh đồi cao kia, ngày càng trở nên xa vời với mong ước có nguồn nước chảy về tận chái bếp mỗi nhà của người dân xóm Đồng Bãi.

Bể nước sinh hoạt của trường mầm non chi B xóm Đồng Bãi cạn nước

Hơn một tháng sau ngày khảo sát công trình, chúng tôi trở lại xóm Đồng Bãi vào một buổi sáng tháng 5 oi ả. Gần 20 người dân là đại diện các hộ gia đình đang còn hưởng lợi đến tham gia cuộc họp nhóm nước sinh hoạt do dự án tổ chức. Tiếp xúc trực tiếp với người dân, chúng tôi mới thấu hiểu họ “khát nước” tới mức nào, họ chỉ cho chúng tôi thấy công trình của họ hỏng cái gì, mong muốn sửa chữa như thế nào cũng như cam kết đóng góp tiền, góp ngày công lao động. Từ cuộc họp nhóm, người sử dụng công trình đã thống nhất bầu chọn nhóm cộng đồng gồm 7 thành viên, trong nhóm có tới 2 thành viên thuộc diện hộ nghèo. Một điều đặc biệt, nhóm được bầu chọn dựa trên các tiêu chí do chính người dân đưa ra như nhiệt tình, trung thực, có trình độ.v..v. Nhóm cộng đồng tham gia dự án, là đội quân tiên phong mang kiến thức, kỹ năng được dự án tập huấn về truyền đạt, hướng dẫn cho người dân sửa chữa, vận hành chính công trình của họ.

10.2.jpg

 Những người hưởng lợi tham gia cuộc họp giới thiệu dự án và bầu chọn nhóm cộng đồng

Từ khi thành lập nhóm, mỗi thành viên đều tham gia đầy đủ các khóa tập huấn do dự án tổ chức. Nội dung các khóa tập huấn đa dạng, lồng ghép kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm giúp người dân có đủ năng lực tự sửa chữa, vận hành công trình. Bác Bành, thành viên nhóm từng chia sẻ với chúng tôi: “Tôi chỉ học hết lớp 4, chữ nghĩa ít nên nhút nhát lắm. Tham gia dự án, tôi mạnh dạn, tự tin hơn nhiều. Nếu tôi được học hành tử tế hơn thì tôi còn làm dự án tốt hơn nữa”. Sau hơn 5 tháng tham gia tập huấn, nhóm cộng đồng đã biết cách lập kế hoạch quản lý vận hành bảo trì cho công trình nước sinh hoạt. Kế hoạch được UBND xã phê duyệt ngày 24/10 . Trong kế hoạch, nhóm lên phương án sửa chữa công trình. Tổng kinh phí hết 13 triệu đồng, nhóm đề nghị dự án hỗ trợ 7 triệu 9 trăm nghìn đồng, số còn lại người dân đóng góp bằng ngày công lao động, tương đương gần 6 triệu đồng.

Các thành viên nhóm cộng đồng công trình nước sinh hoạt xóm Đồng Bãi trong khóa tập huấn

Vào mùa khô, đồi núi ít vắt hơn (vắt là một loài đỉa cạn). Thời gian này, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, người dân có một khoảng thời gian “nông nhàn”. Xác định đây chính là thời điểm thuận lợi, nhóm cộng đồng tiến hành họp những người hưởng lợi để trình bày kế hoạch sửa chữa và huy động người dân cùng tham gia thực hiện. “Cơn khát” triền miên của người dân xóm Đồng Bãi sắp được hóa giải, người dân hồ hởi tham gia sửa chữa. Những người hiểu biết kỹ thuật thì thực hiện cắt, nối, hàn, khò các điểm vỡ, rò rỉ. Người không biết kỹ thuật thì phát quang, đào, chôn lấp đường ống. Vất vả 3 ngày, khối lượng công việc đề ra đã hoàn thành vượt kế hoạch: 20 điểm vỡ trên đường ống được xử lý đúng kỹ thuật, sử dụng đèn khò, đai nín, cút đấu nối thay vì băng dây chun như trước. Hơn 37m đường ống thép trắng kẽm thay thế cho ống nhựa những đoạn qua đường giao thông. Chi phí sửa chữa không phát sinh so với kế hoạch dự toán ban đầu.

Nhóm cộng đồng và người dân xóm Đồng Bãi sửa chữa, thay thế đường ống

Công trình nước sinh hoạt xóm Đồng Bãi được nhóm cộng đồng tiến hành xả nước trở lại sau 4 ngày đóng nước để sửa chữa. Niềm vui vỡ òa khi nước chảy về tận chái bếp mỗi gia đình. Những hộ dân thuộc xóm Bưa Sào, một xóm kế bên chưa từng được hưởng lợi thì nay nước chảy về đầy bể chứa, một điều nằm ngoài sự mong đợi của nhóm cộng đồng và người dân. Từ con số 15 hộ hưởng lợi ít ỏi ban đầu, sau sửa chữa, có 41 hộ được hưởng lợi, tăng 26 hộ. Kỳ diệu hơn, trường mầm non chi B của xã Đú Sáng đã không còn phấp phỏng nỗi lo thiếu nước sinh hoạt cho 141 cháu đang theo học tại đây. Cái cảnh phụ huynh vừa lai con vừa lai “can” (nước) đi học đã lùi xa vào kí ức. Làm một phép tính nhỏ trong bài toán giải cơn khát nước của người dân xóm Đồng Bãi: chia số kinh phí sửa chữa cho số hộ hưởng lợi thì số tiền đóng góp không quá 50 nghìn đồng trên hộ. “Số tiền này chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng đóng góp”, anh Bùi Văn Tuấn một người hưởng lợi thuộc diện hộ nghèo nói.

Cô và trò trường mầm non chi B xóm Đồng Bãi, hộ hưởng lợi đặc biệt từ công trình

Nắm chắc trong tay các kiến thức và kỹ năng do dự án truyền đạt, cộng với kinh nghiệm sau một “bài thực hành” đạt kết quả ngoài mong đợi, nhóm cộng đồng công trình nước sinh hoạt xóm Đồng Bãi đang bàn bạc áp dụng cách làm của dự án vào sửa chữa nhiều công trình khác của xóm như nhà văn hóa, kênh mương. Đặc biệt hơn, nhóm cho biết sẽ cùng nhau lập kế hoạch tìm một nguồn nước mới bổ sung cho nguồn nước hiện tại nhằm nâng cao hơn nữa số người được hưởng lợi từ công trình. “Chúng tôi dự kiến sẽ khảo sát, lập kế hoạch bổ sung cho công trình nước sinh hoạt trong tháng 12 này, nguồn kinh phí người dân trong xóm tự đóng góp. Chúng tôi cũng lập kế hoạch trình UBND xã để xin khoanh vùng rừng đặc dụng, chỉ trồng tre nứa trên các đỉnh đồi nhằm tái tạo nguồn nước, con cháu sau này còn có nước mà dùng “, ông Bùi Đức Bảo, thành viên nhóm cộng đồng hào hứng chia sẻ với chúng tôi khi được hỏi về kế hoạch thực hiện của nhóm thời gian tới.

Nhóm cộng đồng xóm Đồng Bãi và người dân nơi đây, không chỉ biết cầm cày cầm quốc. Họ còn biết sử dụng đèn khò, đai nín; biết lập kế hoạch; biết tính toán kinh phí và quản lý nguồn quỹ tiền mặt. Chỉ cần có phương pháp và cho họ cơ hội thực hành. Thì giống như trao cho họ một chiếc chìa khóa vạn năng, họ sẽ tự mở ra mọi cánh cửa mà cộng đồng mong muốn, theo cách của họ mà không cần phải chờ đợi ai./.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here