Xóm Ba, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có 78 hộ, 323 nhân khẩu (165 nam, 158 nữ) trong đó có 42 người thiệt thòi.
Năm 1990, bà con trong xóm đã cùng nhau đóng góp để xây dựng nhà văn hóa. Do điều kiện các hộ gia đình trong xóm còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế thiếu thốn, ngành nghề phụ lại không có mà chủ yếu là làm ruộng, nên từ đó đến nay, xóm chỉ xây được nhà văn hóa mà chưa có điều kiện mua các trang thiết bị thiết yếu cho nhà văn hóa như bàn ghế, micro, loa đài…… Việc truyền tải các thông tin do đó cũng không đến hoặc không kịp thời nên việc tham gia của người dân vào các hoạt động, phong trào chung của xóm bị hạn chế , việc tổ chức các hoạt động tập huấn, hội nghị, truyền thông, tuyên truyền cho người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.
Tham gia dự án Thúc đẩy Mô hình Quản lý Cộng đồng tại Việt Nam (PCMM), xóm đã làm tốt và hiệu quả các Tiểu dự án (TDA) của Quỹ Cộng đồng Quản lý và được nhận Quỹ Thưởng để tiếp tục nhân rộng và thực hành sâu hơn Mô hình Quản lý cộng đồng. Ngay khi được hỗ trợ ngân sách là 40 triệu đồng, Nhóm nòng cốt đã tổ chức họp xóm để xác định vấn đề và lựa chọn ưu tiên. Qua thảo luận chung đã có 6 vấn đề khó khăn được đưa ra. Sau đó, Nhóm nòng cốt (NNC) đã dùng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia (PRA) – chấm điểm để xác địnhcác ưu tiên cần giải quyết trước mắt và kết quả lựa chọn ưu tiên phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của 100 % người dân trong xóm: nâng cao hiệu quả truyền thông cho người dân về các chủ trương, chính sách của nhà nước thông qua việc mua sắm các trang thiết bị được lựa chọn là ưu tiên số 1.
Ngay sau đó, xóm đã nhanh chóng thành lập ra Nhóm cộng đồng (NCĐ) gồm 10 người (5 nam, 5 nữ ) trong đó có 3 người thiệt thòi bắt tay ngay vào lập kế hoạch và viết đề xuất tiểu dự án. Sau khi tiểu dự án được toàn thể người dân trong xóm tham gia thẩm định, và phê duyệt, NCĐ bắt tay ngay vào triển khai các hoạt động. Các trang thiết bị cơ bản như bàn, ghế, micro, loa phóng thanh, khẩu hiệu, ảnh Bác….. lần lượt được trang bị cho nhà văn hóa. Nhà văn hóa của xóm dường như “thay da, đổi thịt” trở nên khang trang và rộng rãi hơn hẳn trước kia. Micro và loa phóng thanh giúp toàn thể người dân trong xóm được tiếp cận kịp thời với các thông tin mới. Số lượng người dân tham gia vào các hoạt động, phong trào của xóm ngày một tăng lên. So với trước khi chưa có TDA, số người tham gia các cuộc họp xóm đã tăng lên từ 15 – 20 %.
Không chỉ dừng lại ở đó, NNC cùng với NCĐ ngay khi xây dựng TDA đã xác định mục tiêu của tiểu dự án “không chỉ dừng lại ở việc mua sắm các trang thiết bị mà còn phải nâng cao năng lực và nhận thức cho người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước”. Ngay sau khi trang bị các vật dụng cần thiết cho nhà văn hóa, Nhóm nòng cốt cùng với Nhóm cộng đồng đã lập kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước. Nội dung được lựa chọn để tuyên truyền đầu tiên là Pháp lệnh dân chủ – một nội dung nâng cao năng lực của dự án PCMM mà NNC đã được tham gia tập huấn. Nhóm đã thống nhất kế hoạch truyền thông định kỳ một quý 1 lần và đối tượng truyền thông đầu tiên là Chi hội phụ nữ – một chi hội có phong trào rất mạnh trong xóm. Sau khi được truyền thông, chi hội này sẽ tiếp tục tuyên truyền các kiến thức tới các ban, ngành khác trong xóm.
Ngày 20/12/2010, một buổi truyền thông về PLDC được tổ chức tại Nhà văn hóa xóm với sự tham gia đầy đủ của 39 hội viên chi hội phụ nữ . Ngoài ra, còn có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thiện – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mông Hóa. Bà Nguyễn Thị Chanh – Thúc đẩy viên của dự án, thành viên NNC chịu trách nhiệm thực hiện buổi truyền thông.
Buổi truyền thông được tiến hành theo phương pháp tham gia lấy tham dự viên là trung tâm. Các tham dự viên lần lượt được nghe giới thiệu, phân tích các nội dung cụ thể như PLDC là gì; 5 nguyên tắc thực hiện PLDC ở xã; 4 hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện pháp lệnh. Đặc biệt, các Tham dự viên đã được Thúc đẩy viên phân tích sâu và kĩ 11 nội dung mà chính quyền xã/thị trấn phải công khai cho người dân biết. Các nội dung đều được trực quan trên giấy A0 và thẻ bìa màu kèm theo các hình ảnh minh họa sinh động và trong từng nội dung công khai đều có liên hệ cụ thể với các hoạt động của chính quyền xã Mông Hóa. Những phần tham dự viên còn thắc mắc, chưa hiểu rõ đều được Thúc đẩy viên giảng giải, phân tích chi tiết và có những ví dụ minh họa cụ thể.
Sau buổi truyền thông , 39 chị em đã nắm được sơ lược các kiến thức về PLDC, đặc biệt là 11 nội dung công khai để dân biết. Một số chị em tâm sự đây là lần đầu tiên được nghe và biết đến PLDC. Buổi truyền thông thực sự có ý nghĩa đối với họ: “Trong buổi truyền thông về pháp lệnh hôm nay, tôi nhớ nhất là phần chị Chanh trình bày về các nội dung mà chính quyền phải thông báo cho dân biết. Từ trước đến nay tôi không hề biết có nhiều việc chính quyền cần phải thông báo cho dân như vậy”. Bà Nguyễn Thị Hưng, chi hội viên chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Đào, Chi hội trưởng hội phụ nữ trong xóm cho biết “Buổi truyền thông hôm nay chị em tham gia rất đông và nghiêm túc lắng nghe chị Chanh giảng giải. Chúng tôi nhận thấy rằng, hoạt động này là rất cần thiết, NNC cần kết hợp với cán bộ xóm để tổ chức nhiều buổi truyền thông như thế này hơn nữa. Chúng tôi sẽ đem những kiến thức được học để tuyên truyền lại trong các ban ngành đoàn thể khác trong xóm để toàn thể người dân xóm Ba thực sự hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo đúng tinh thần của PLDC.”
Theo kế hoạch, trong quý tiếp theo, NNC sẽ tiếp tục truyền thông cho chị em Chi hội phụ nữ về các nội dung khác của PLDC như những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; những nội dung dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định…
RIC- PCMM